Những thành tựu trên cương vị người quản lý văn hóa và lãnh đạo Đảng 

Trước khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trải qua những chức vụ khác nhau, trong đó trực tiếp liên quan đến việc quản lý văn hóa, cũng như đề ra những quan điểm, đường lối về văn hóa. 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã công tác ở Tạp chí Cộng sản từ năm 1967 đến năm 1996, ở cương vị là Tổng Biên tập từ năm 1991 đến năm 1996. Quãng thời gian làm báo dài lâu cũng là quãng thời gian đồng chí Nguyễn Phú Trọng hun đúc, thu lượm kinh nghiệm từ thực tế, đề xuất những quan điểm về văn hóa, để sau này áp dụng vào những vấn đề lý luận, thực tiễn của đất nước. 

Sau đó, trong nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trở thành Tổng Bí thư, trực tiếp tham gia và chỉ đạo biên soạn văn kiện, nghị quyết qua các kỳ Đại hội Đảng, tư tưởng về văn hóa của đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bộc lộ rõ nét, trở thành tư tưởng quán triệt trong đường lối phát triển văn hóa của đất nước.

Tong Bi thu 1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: Hanoimoi.vn

Tạp chí Cộng sản số 18, tháng 9/1998 đã đăng bài viết “Nắm vững các quan điểm của Đảng chỉ đạo sự nghiệp văn hóa ở nước ta” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trong đó đưa ra 5 quan điểm cơ bản:

Thứ nhất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ hai, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ ba, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Thứ năm, văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng. 

Cũng trong năm 1998, Đảng ta đã có một nghị quyết riêng về văn hóa, chính là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, đến năm 2014, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiếp tục đưa ra Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Những trước tác văn hóa để lại cho đời

Với tư cách là nhà trí thức, nhà lý luận, nhà lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ đề ra những quan điểm, đường lối văn hóa, được khái quát, nâng tầm, trở thành những văn kiện, nghị quyết của Đảng, mà dấu ấn văn hóa của đồng chí còn được thể hiện qua các bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện…

Gần đây nhất, tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ra mắt ngày 21/6/2024, với độ dày 930 trang, do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư… của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là từ năm 1968. Đây là những đúc kết văn hóa trong suốt gần 60 năm qua của Tổng Bí thư.

Phần thứ nhất của tác phẩm mang tên “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, gồm 19 bài phát biểu, bài viết tại các hội nghị. Phần thứ hai mang tên “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững” tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư gửi, thư chúc mừng… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của từng cơ quan văn hóa như Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Văn học, Báo Văn nghệ… Qua đó, thấy rõ sự sâu sát, nắm bắt thực tế của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với công tác văn hóa, văn nghệ của nước nhà. Phần thứ ba mang tên “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống” chọn lọc 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân xoay quanh việc phát triển văn hóa Việt Nam.

Nhận định về tác phẩm này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Cuốn sách gửi gắm những thông điệp sâu sắc của Tổng Bí thư đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Những ý kiến của người đứng đầu Đảng ta về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản thể hiện trong cuốn sách đã bao quát một cách hệ thống, đầy đủ, sáng tạo về những vấn đề căn cốt của từng lĩnh vực, có giá trị khơi gợi khát vọng sáng tạo, cống hiến của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng”. 

Như vậy, tác phẩm này thực sự trở thành một cẩm nang quý cho những người làm công tác quản lý cũng như thực hành văn hóa.

Có một hệ tư tưởng, lý luận văn hóa mang dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Là một nhân cách văn hóa lớn, được các nguyên thủ quốc gia nhiều nước trên thế giới ca ngợi về sự tận tụy hết mình vì Đảng, vì nước, vì dân, ca ngợi sự trong sạch, liêm khiết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đời của mình đã dành nhiều thời gian để đúc rút, đưa ra những dấu ấn mang tầm lý luận về văn hóa, từ đó định hướng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra, phân tích, lý giải những đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Từ đó, đề ra những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, với các giá trị tiến bộ và nhân văn, văn hóa phát triển đi đôi với kinh tế, xã hội. 

Qua những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo đó, có thể nhận thấy tầm nhìn xa, sâu, rộng, toàn diện của Tổng Bí thư, góp phần vào nền tảng lý luận của Đảng về văn hóa.

Trong quan điểm về văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thấy rõ sự kiên định của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và sự kế thừa mang tính hệ thống qua các kỳ Đại hội của Đảng. 

Trên những nền tảng ấy, vấn đề trọng tâm là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, mà con người đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển văn hóa. 

Đây cũng chính là những mục tiêu quan trọng để góp phần xây dựng sức mạnh mềm quảng bá đất nước ra thế giới, đồng thời cũng là sức mạnh nội sinh để củng cố và phát triển đất nước. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển, văn hóa không bị bỏ lại phía sau, mà vẫn là một lĩnh vực quan trọng, được chú ý định hướng, xây dựng.

Từ trước đến nay, trong lịch sử hiện đại Việt Nam với sự ra đời của Đảng Cộng sản năm 1930, vấn đề văn hóa luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu với người mở đường là lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. 

Tiếp nối truyền thống ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất, vận dụng quan điểm, tư tưởng về văn hóa phù hợp với thời đại mới, hoàn cảnh mới, giúp cho đất nước phát triển toàn diện về mọi mặt. Đó không chỉ đơn thuần là kết tinh của trí tuệ, tài năng, mà còn là tâm huyết, sự gửi gắm, mong mỏi và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà văn hóa lớn, người cả cuộc đời phụng sự cho Đảng, cho đất nước, người được nhân dân kính trọng, yêu mến, tin tưởng.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cách mạng, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong văn hóa. Ông luôn nhấn mạnh rằng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông luôn ủng hộ việc bảo tồn các di sản văn hóa, tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, đồng thời khuyến khích việc quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.

Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện về đạo đức, lối sống, lối làm việc và thẩm mỹ, hình thành công dân có tinh thần yêu nước, đoàn kết, và sáng tạo... Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  khuyến khích sự giao lưu, học hỏi từ văn hóa quốc tế nhằm góp phần vào sự tiến bộ và hội nhập của văn hóa Việt Nam. Ông cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ, nhà văn hóa và các tổ chức văn hóa phát triển, thể hiện sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc.

Một trong những dấu mốc son cho sự phát triển văn hóa nước nhà dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Những thông điệp của ông tập trung vào việc đề cao vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước, nhấn mạnh vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Mỗi lĩnh vực đều có sự liên kết vô cùng quan trọng với văn hóa, trong việc hình thành và phát triển bản sắc dân tộc. Đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Tổng Bí thư coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành chú trọng bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa và đưa các giá trị văn hóa truyền thống đến với các tầng lớp nhân dân.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục văn hóa cho các thế hệ trẻ, thông qua hệ thống giáo dục và các chương trình hoạt động văn hóa, nhằm tạo ra những con người có tâm hồn trong sáng, yêu nước, yêu người. Tổng Bí thư khẳng định cần sự tham gia của toàn xã hội, từ các tổ chức, doanh nghiệp đến mỗi người dân trong việc phát triển văn hóa. Ông đề nghị tăng cường cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội)

Ý niệm về văn hóa ĐảngĐể lãnh đạo bằng văn hóa chính trị, Đảng cần định hình rõ bản sắc văn hóa chính trị, không chỉ góp phần tạo nên văn hóa dân tộc mà còn tạo động lực khiến mỗi cá nhân được hấp dẫn và tự giác chấp nhận các giá trị, niềm tin, và chuẩn mực chính trị.