Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là thời điểm khó khăn chưa từng có của ngành đường sắt.
 
Ngoài ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện gói 7.000 tỷ đồng trong thi công, đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt và tình hình lũ lụt miền Trung cũng ảnh hưởng lớn đến lịch chạy tàu.
 
Tính riêng trong dịp cao điểm Tết nguyên Đán 2020 và nghỉ lễ 30/4 vừa qua, VNR  đã phải huỷ 2.300 đoàn tàu do hành khách trả lại hơn 232.000 vé (hoàn trả lại 195,5 tỷ đồng). Nguồn thu chính từ vận tải khách không được duy trì, trong khi vận tải hàng hoá chiếm thị phần nhỏ (30%) nên VNR rất khó khăn trong việc xoay sở dòng tiền để duy trì hoạt động.

{keywords}
Hiện tại mỗi ngày đường sắt chỉ chạy 2 đôi  tàu Bắc Nam

Dự kiến trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19 VNR lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Mới đây VNR đã có văn bản gửi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xin vay 800 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để duy trì hoạt động.

Theo VNR, đây là mức tối thiểu để duy trì dòng tiền hoạt động, cố gắng cầm cự với tính toán các chi phí thấp nhất.

Một lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trước khi bùng phát dịch Covid-19, đường sắt đã rất khó khăn, nay do ảnh hưởng của dịch lại càng lỗ, nếu không có giải pháp hỗ trợ, nguy cơ sắp hết vốn Nhà nước là hiện hữu.

Nếu VNR dừng hoạt động, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của đơn vị này mà còn ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của lĩnh vực GTVT đường sắt và đời sống, việc làm của hàng vạn lao động.

Do vậy, VNR cần tái cơ cấu lại bộ máy, quản trị, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Lao động nghỉ việc hết sức khó khăn
 
Do ảnh hưởng dịch bệnh, các đoàn tàu vắng khách phải dừng hoạt động dẫn đến người lao động không có việc làm. Riêng đơn vị vận tải của VNR đã có hơn 13.000 người bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm, trong đó có 1.627 người nghỉ việc, tạm dừng hợp đồng lao động.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, do đơn vị hiện chỉ chạy một nửa đôi tàu thống nhất (một chiều Hà Nội – TP. HCM) và 1 đôi tàu Hà Nội – Hải Phòng nên số lao động không có việc làm lớn.

Trong số hơn 3.500 người lao động của công ty thì hiện đã có gần 1.000 người nghỉ việc không lương và tạm dừng hợp đồng. 

{keywords}

 Nhân viên đường sắt không có việc làm nên đời sống hết sức khó khăn 

Ông Hiệp chia sẻ, lao động đường sắt là ngành đặc thù, thu nhập thấp nên đa số không có tích luỹ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay thực sự rất khó để tìm việc mới. Thậm chí ngay với cả người đang làm việc với mức lương chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng thì cũng rất khó khăn.

Ông Hiệp cho biết, trong bối cảnh khó khăn, ngay từ năm 2020 đơn vị đã chủ động tiếp cận gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên khi tiếp cận, căn cứ điều kiện thì doanh nghiệp và người lao động lại không thuộc đối tượng.

Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam Bùi Xuân Phong cho rằng, bản thân VNR phải tái cấu trúc cả về bộ máy, nhân lực, nguồn vốn để giảm thiểu khó khăn. Về lâu dài không thể cứ thiếu vốn là xin vay hỗ trợ. VNR phải tính tới bỏ những tuyến vận tải kinh doanh lỗ, duy trì những tuyến trọng điểm kinh doanh có lãi để giảm thiểu khó khăn. 

Tổng công ty Đường sắt xin vay 800 tỷ để hoạt động cầm cự

Tổng công ty Đường sắt xin vay 800 tỷ để hoạt động cầm cự

Do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phải xin vay gói cứu trợ 800 tỷ đồng để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

 
Vũ Điệp