Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rút lại lệnh cấm đối với WeChat và TikTok, vốn được cựu Tổng thống Donald Trump thông qua. Theo phe chỉ trích ông Biden, động thái này cho thấy cách tiếp cận nhẹ tay hơn với các công ty công nghệ Trung Quốc nói riêng và Trung Quốc nói chung.

"Quan điểm đó gần như chắc chắn là sai lệch", ông James Crabtree - Giám đốc điều hành IISS-Asia - viết trên Nikkei Asian Review.

Số phận của hai ứng dụng Trung Quốc đến nay vẫn chưa chắc chắn. Nhưng quan trọng hơn cả, cơ chế quản lý mới của ông Biden đối với dữ liệu và công nghệ có thể sẽ chặt chẽ và cứng rắn hơn so với các quy tắc cũ.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa rút lại lệnh cấm đối với WeChat và TikTok. Ảnh: Reuters.

Nhẹ tay hay cứng rắn hơn?

Trở lại tháng 8/2020, ông Trump đã đưa ra các lệnh hành pháp cấm cửa WeChat và TikTok. Đó là một phần của loạt biện pháp nhằm chống lại những mối đe dọa an ninh từ doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Thông qua các công ty như TikTok và WeChat, dữ liệu của người dùng Mỹ có thể rơi vào tay chính quyền Bắc Kinh.

TikTok bác bỏ các cáo buộc và đệ đơn kiện chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump lên một tòa án liên bang ở Washington. Ông Crabtree nhận định ông Trump đã để lại cho ông Biden một khung chính sách "nghe có vẻ cứng rắn nhưng vô vọng về mặt pháp lý".

Hôm 9/6, chính quyền ông Biden hủy bỏ các lệnh cấm của ông Trump. Thay vào đó, họ tiến hành đánh giá cách những ứng dụng của "đối thủ nước ngoài" có thể gây ra rủi ro bảo mật đối với dữ liệu người dùng Mỹ. Cùng với đó là một loạt đánh giá khác, bao gồm đánh giá đối với TikTok do Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) phụ trách.

"Điều quan trọng hơn cả là những gì ông Biden không xóa bỏ", ông James Crabtree tại IISS-Asia viết. Đó là một số lệnh hành pháp khác do ông Trump ký, mở đường cho cách tiếp cận quy định mới đối với luồng dữ liệu và chuỗi cung ứng công nghệ liên kết với Trung Quốc.

{keywords}
Đội ngũ ông Biden có thể đưa ra hệ thống quy tắc về công nghệ và dữ liệu chặt chẽ hơn. Ảnh: Reuters.

Đội ngũ của ông Biden đã chấp nhận gần như tất cả, ngoại trừ lệnh cấm cửa TikTok và WeChat vốn thu hút sự chú ý. Ở thời điểm hiện tại, ông Biden dường như đang lên kế hoạch thúc đẩy một bộ quy tắc mới, giúp quản lý công nghệ và dịch vụ thông tin - truyền thông liên kết với nước ngoài, còn gọi là ICTS.

Bộ quy tắc mới có thể trao quyền cho Bộ Thương mại Mỹ thiết lập một quy trình đánh giá mới, sâu rộng tương đương CFIUS. Cùng với đó là các biện pháp giúp kiểm soát rủi ro của việc dữ liệu chảy đến và đi từ nước ngoài.

Mục đích cơ bản là cung cấp "khung quyết định dựa trên tiêu chí và sự phân tích nghiêm ngặt nhờ vào bằng chứng" nhắm đến các ứng dụng nước ngoài. Nói cách khác, đội ngũ của tổng thống Mỹ muốn tạo ra một quy trình có thể hạn chế hoặc cấm cửa những ứng dụng như TikTok, nhưng không gặp rắc rối trước tòa.

Bộ quy tắc mới

Hiện vẫn chưa rõ các quy tắc mới sẽ được phát triển thế nào. Một đánh giá khác do đội ngũ của ông Biden thiết lập đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ quay lại với kế hoạch phát triển những quy tắc ICTS.

Tuy nhiên, hướng đi dường như đã đủ rõ ràng. "Các công ty công nghệ Trung Quốc có thể hoan nghênh những quy tắc của ông Biden. Nhưng họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với thời ông Trump", nhà phân tích chính sách công nghệ Paul Triolo tại Eurasia Group nhận định.

"Họ dường như không nhận ra điều gì sắp xảy ra. Đó là một nỗ lực được thiếp lập tốt hơn để tránh sụp đổ trước những thách thức pháp lý", ông nói thêm.

Tuy nhiên, các quy tắc ICTS tiềm năng có thể đặt ra giới hạn đối với hàng loạt hoạt động liên quan đến việc mua lại hoặc sử dụng công nghệ nước ngoài. Đó là điều Thung lũng Silicon muốn né tránh.

Rủi ro kép cũng có thể xảy ra. Điều đó có nghĩa là những giao dịch công nghệ trong tương lai, liên quan đến các công ty nước ngoài, sẽ phải trải qua cả quy trình CFIUS hiện tại và những quy định ICTS mới.

Đội ngũ của ông Biden cũng đang thuyết phục các đồng minh ở châu Âu và những nước khác trên thế giới tham gia vào liên minh chống Trung Quốc trên mặt trận công nghệ.

Ông Crabtree nhận định vẫn còn những thách thức khác, nhất là việc Mỹ thiếu một cơ chế pháp lý chặt chẽ để quản lý dữ liệu. Trên thực tế, Washington không có bất cứ cơ chế nào tương tự các quy tắc trong Quy định chung về Bảo vệ Dữ liệu của châu Âu. Điều đó khiến việc nhắm vào những hành vi vi phạm của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Nhìn rộng hơn, quá trình ICTS dường như là một phần của các quy tắc gây áp lực lên Trung Quốc. Một số có thể nhắm vào những công nghệ cụ thể, chẳng hạn cấm tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến. Một số khác sẽ hướng đến những công ty Mỹ muốn sử dụng công nghệ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, nhất là các công ty có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.

"Cuối cùng, vẫn còn cơ hội để TikTok và WeChat duy trì hoạt động tại Mỹ. Nhưng tinh thần chống Trung Quốc vẫn được thúc đẩy ở Washington", ông Crabtree khẳng định.

"Thay vì chậm lại, quá trình phân ly công nghệ (tech decoupling) sẽ được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Biden", ông nhấn mạnh.

(Theo Zing)

Ông chủ TikTok thoái lui để tránh số phận như Jack Ma?

Ông chủ TikTok thoái lui để tránh số phận như Jack Ma?

Nhà sáng lập ByteDance từ chức trong thời điểm chính phủ Trung Quốc đang siết chặt giám sát các công ty Internet lớn nước này, bao gồm Alibaba và Tencent.