- Tình trạng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ĐH phải đi học nghề để tìm việc đang gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội.
Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo diễn ra chiều 22/3.
Theo ông Sâm, hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nơi cung cấp nhân lực cho thị trường lao động, do đó, buộc phải chấp nhận cạnh tranh. Không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh giữa các cơ sở GDNN với các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
"Đó là tất yếu" - ông Sâm khẳng định.
Nêu lại hiện tượng "liên thông ngược", khi các cử nhân, kỹ sư thậm chí là thạc sĩ phải giấu bằng đi lao động phổ thông hoặc tìm tới trường học nghề để tìm việc làm, ông Sâm cho rằng điều này đang gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội, gia đình và cá nhân.
"Hiện nay, thị trường lao động thì lao động trực tiếp là chủ yếu mà chúng ta cứ tiếp tục tỉ lệ học đại học (ĐH) quá nhiều còn học nghề quá thấp sẽ mất cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo và sử dụng".
Ông Cao Văn Sâm trao đổi tại họp báo chiều 22/3. Ảnh: Lê Văn. |
Bàn về nguyên nhân, ông Sâm cho rằng, hiện nay dự báo cung cầu còn nhiều hạn chế nên đào tạo chưa tương thích với sử dụng, nhiều trình độ đào tạo thừa còn sử dụng lại hạn chế dẫn đến đào tạo ra không có việc làm.
Bên cạnh đó, cấu trúc các trình độ đào tạo vẫn chưa hợp lý so với nhu cầu thị trường lao động, xảy ra hiện tượng học xong ĐH nhưng không có việc làm phải đi lao động phổ thông hoặc học nghề để xin vào doanh nghiệp.
Ông Sâm cũng đề cập tới nguyên nhân sâu xa hơn của hiện tượng liên thông ngược khi cho rằng, vấn đề phân luồng học sinh phổ thông hiện vẫn còn bị nghẽn, chưa tốt dù đây là vấn đề muôn thuở.
Trả lời câu hỏi về việc điểm sàn vào ĐH năm nay dự kiến sẽ thấp, ảnh hưởng tới nguồn tuyển sinh của các trường nghề, ông Sâm thừa nhận đây là một áp lực lớn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tâm lý chung của xã hội hiện nay là vẫn muốn con em mình vào đại học.
Tuy nhiên, nhắc lại quan điểm cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo trong tuyển sinh là tất yếu, ông Sâm cho rằng, trào lưu trên thế giới là sẽ thả đầu vào và siết chặt đầu ra.
"Vì vậy tôi mong rằng các cơ sở GDĐH sẽ siết thật chặt đầu ra" - ông Sâm nói.
Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Sâm cho biết, trong thời gian tới, nhân lực của Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với nhân lực đến từ các quốc gia khu vực ASEAN mà có thể phải cạnh tranh với cả robot.
Hiện, Tổng cục Dạy nghề đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó đưa ra 10 giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu này.
Trả lời câu hỏi về việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đối với hơn 500 cơ sở vừa chuyển từ Bộ GD-ĐT về Bộ LĐTB-XH, ông sâm khẳng định, việc quy hoạch cả mạng lưới đang được tiến hành.
Hiện nay, Tổng cục Dạy nghề cũng đang hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cho phép các trường có thể mở rộng hoặc thu hẹp quy mô ngành nghề đào tạo cho phù hợp.
Cử nhân đi làm công nhân không hẳn là thất bại của giáo dục
Tại bàn tròn trực tuyến gắn kết doanh nghiệp và trường đại học do báo VietNamNet tổ chức ngày 9/3, ông Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: Có những dự đoán 50 năm nữa không còn trường ĐH, vì tất cả kiến thức có thể tự học được hết. Nhưng môi trường để người ta học và phát huy được thì lại không có. Do vậy, điều quan trọng nhất của những người làm đào tạo là tạo ra môi trường.Đề cập tới trường hợp tốt nghiệp ĐH mà lại phải đi làm công nhân, ông Lộc quan niệm đó không hẳn là thất bại của giáo dục, vì ít nhất là trường học đã giáo dục một người dám định hướng cho mình, dám khẳng định mình rằng: "Tôi có bằng ĐH mà tôi vẫn đi làm công nhân". Nếu xã hội có nhiều người dám khẳng định mình, dám làm điều mong muốn, thì xã hội đó sẽ thành công. |
- Lê Văn