“Đối với Toyota Việt Nam, chúng tôi luôn đặt mục tiêu hàng đầu là đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam”, là lời khẳng định của Tổng giám đốc Nakano Keita. Và đúng như vậy, ngay từ khi đặt nhà máy tại Việt Nam, hãng xe Nhật Bản đã chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đất nước sở tại. Từ việc mời nhà cung cấp nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, thành lập ban chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp trong hệ thống, đến năm 2020, Toyota bắt tay với Cục Công nghiệp - Bộ Công thương triển khai dự án hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuần Việt nằm ngoài hệ thống của hãng, nhằm cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi cung ứng toàn cầu. 2024 là năm thứ 5 dự án này được triển khai và thu về những kết quả tích cực. 

Năm nay, 5 doanh nghiệp trong nước tham gia trong chương trình tư vấn cải tiến của Toyota bao gồm: Công ty Cổ phần công nghệ và thương mại SIGMA Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoa An, Công ty TNHH Công nghiệp Haast Việt Nam và Nhà máy Z131.

image001.jpg
Các doanh nghiệp tham quan và học hỏi dây chuyền sản xuất tại nhà máy Toyota Việt Nam

Tại buổi tổng kết chương trình mới đây, các doanh nghiệp cho biết, họ đã tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ áp dụng các cải tiến 5S, an toàn lao động và Kaizen. Những con số đo lường về hiệu quả cải tiến được các doanh nghiệp nêu ra rất ấn tượng. 

image002.jpg
 Chương trình tham quan nhà máy của Intech sau khi thực hiện các cải tiến sản xuất theo tư vấn của Toyota Việt Nam

Ông Vũ Công Chung, Giám đốc Công ty CP công nghệ và thương mại SIGMA Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ước tính mức tiết kiệm lên tới 1,679 tỷ đồng/năm. 

“Lần đầu tiên, chúng tôi được tham gia chương trình đào tạo, được tiếp cận phương pháp mới trong hoạt động sản xuất, cả về lý thuyết và thực hành, đặc biệt là kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia cũng như các đơn vị cùng tham gia. Chúng tôi mong muốn tiếp tục có thêm các cơ hội như vậy để cải thiện năng suất cho người lao động”, ông Chung bày tỏ.

Tại Công ty Intech, doanh nghiệp trước đây chưa nắm bắt về khái niệm 5S, lỗi phát sinh trong sản xuất còn nhiều do yếu tố con người, năng suất thấp. Công nhân làm việc phải thao tác nhiều, tình trạng lưu kho nguyên vật liệu còn lớn, các công đoạn không liên thông với nhau dẫn tới dòng chảy sản xuất không tối ưu. Sau khi thực hiện các cải tiến theo tư vấn của Toyota, Intech giảm tới 8 nhân sự, tiết kiệm 136m2 diện tích, từ đó, tiết kiệm tới 916 triệu đồng/năm. 

image003.jpg
Intech đã thay đổi được tư duy về cải tiến, tư duy về 5S, tư duy về quản lý sản xuất của đội ngũ quản lý

Ông Hoàng Hữu Yên, Tổng giám đốc Công ty Intech chia sẻ: “Cái lớn nhất chúng tôi thu được, đó là đã thay đổi được tư duy về cải tiến, tư duy về 5S, tư duy về quản lý sản xuất của đội ngũ quản lý của Intech. Đây sẽ là nền tảng để chúng tôi tiếp thực hiện sâu rộng hoạt động cải tiến doanh nghiệp trong thời gian tiếp theo”.Theo báo cáo tổng hợp, 5 doanh nghiệp đã tiết kiệm 1.424m2 diện tích nhà xưởng, giảm 31,5 nhân sự, quãng đường di chuyển trong nhà máy giảm 310km/tháng, năng suất dây chuyền sản xuất trong các nhà máy tăng tới 52%. A4 Đại diện Toyota Việt Nam đánh giá cao tư duy cầu thị của các doanh nghiệp Việt trong quá trình cải tiến.

Ông Hitoshi Ugi, Giám đốc khối Mua hàng và Phát triển nội địa hóa, Toyota Việt Nam đánh giá: “Chương trình đã đạt được kết quả vượt mong đợi, không chỉ ở những cải tiến cụ thể mà còn trong tư duy quản lý. Chúng tôi tin rằng đây là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Việt phát triển bền vững và nâng tầm vị thế, đóng góp vào sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ nói chung, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.”

image005.jpg
 Toyota Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hỗ trợ tại địa phương

Cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam, ngày 20/12, Toyota Việt Nam đã ký kết MOU với UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ hàng đầu cũng như nâng cao năng lực hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

Hiện nay, Toyota có tổng số 5 mẫu xe lắp ráp trong nước với 60 nhà cung cấp, trong đó có 13 nhà cung cấp Việt Nam, nâng tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt gần 1.000 sản phẩm các loại, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Thu Loan