Thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) có tổng số 30 phường, xã, dân số khoảng 1.084.091 người. Toàn thành phố có 6 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp… đã và đang thu hút rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các nhu cầu đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ… 

Cùng với tốc độ phát triển nhanh là vấn đề về ô nhiễm môi trường cũng ngày càng diễn biến phức tạp ở thành phố này, nhất là tình hình về rác thải.  

bien hoa chuan.jpg
Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý đạt 100%.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, mỗi ngày thành phố có khoảng 750 tấn chất thải rắn và khoảng 90 ngàn m3 nước thải sinh hoạt thải ra môi trường. Tình trạng rác thải đổ bừa bãi khắp nơi trên đường phố, các ngõ ngách, kênh mương, cống thoát nước… tạo ra các bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan đô thị của thành phố.

Dự báo đến năm 2030, tổng lượng rác thải của thành phố tăng lên khoảng 890 tấn/ngày. Thành phố Biên Hòa là địa phương phát sinh nước thải và rác thải sinh hoạt nhiều nhất tỉnh. 

UBND thành phố Biên Hoà cho biết, năm 2023, thành phố đã thực hiện quản lý tốt nguồn chất thải phát sinh ở mức độ cao. Cụ thể là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn đến nay đạt 100%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy và Thành ủy giao năm 2023 là 100%. Trong đó, khối lượng xử lý rác thành mùn compost tại 2 khu xử lý Quang Trung và Vĩnh Tân, đảm bảo tỷ lệ chốn lấp đạt dưới 15%. 

Từ giữa năm 2022, thành phố triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đến nay, tỷ lệ các hộ dân thực hiện phân loại đạt 55,37%; tỷ lệ các cơ quan, đơn vị, trường học, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cơ sở sản xuất kinh doanh… trên địa bàn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt 100%. 

Riêng các loại chất thải rắn công nghiệp không thông thường được thu gom và xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại đạt 100% (bình quân khoảng 450 tấn/ngày), đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết của Thành ủy giao năm 2023. 

Khối lượng chất thải nguy hại tại các cơ sở, doanh nghiệp được chủ cơ sở, doanh nghiệp hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý.

Với phương châm: Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, thời gian tới đây, thành phố sẽ tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hợp động để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố chất thải. 

Đồng thời, tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó. 

Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” nhằm phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó với sự cố. 

Đó là sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ nhằm ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường, như sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn chặn..., không cho chất thải, chất lỏng phát tán ra môi trường; sử dụng phương tiện chuyên dụng, hệ thống bơm để thu chất thải về bể chứa, hồ chứa... 

Bên cạnh đó là xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, tăng cường phối hợp đào tạo, tập huấn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Đồng thời đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng của địa phương. 

Nâng cao năng lực cảnh báo, thông báo, báo động sự cố tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy, làng nghề,...vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải. 

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hợp đồng giữa các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. 

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV