Trụ cột quan trọng hướng tới phát triển bền vững

Trên thế giới, mô hình khu công nghiệp sử dụng kinh tế tuần hoàn được thực hiện dựa trên quan điểm “cộng sinh công nghiệp”, tức là chia sẻ tài nguyên và tuần hoàn chất thải giữa các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Một số mô hình khu công nghiệp tuần hoàn tiêu biểu như mô hình cộng sinh của Kalundborg (Đan Mạch), khu công nghiệp Burnside (Canada), mạng lưới các khu công nghiệp sinh thái tại Naroda (Ấn Độ), khu công nghiệp Laem Chabang (Thái Lan)....

Tại Việt Nam, từ năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trong đó đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó đáng chú ý là “Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp và khu kinh tế; phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải…”.

Kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng đã được xác định trong các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM nhằm hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng “0” vào năm 2050, hướng tới sự phát triển bền vững.

anh bai 13.jpg
Kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng đã được xác định trong các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.

Doanh nghiệp hướng tới kinh tế tuần hoàn

Hoạt động triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp tại TP.HCM bước đầu đã đạt được bước tiến bộ đáng kể như mô hình sản xuất sạch hơn và mạng lưới công nghiệp sinh thái.

Trên cơ sở các sáng kiến được áp dụng và triển khai thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố đã bước đầu khép kín chu trình sản xuất, hướng tới kinh tế tuần hoàn. 

Về lý thuyết, tại doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn ở cấp độ thấp tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản; các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn. Ở cấp độ cao, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường; chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Hiệu quả thực tế đã được thể hiện rõ ở một số doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM. Ví dụ: Gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được Heineken tái sử dụng hoặc tái chế; 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon; Mondelez Kinh Đô Việt Nam đã xây dựng những chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và phát triển các loại bao bì không rác thải...

Triển khai khu công nghiệp sinh thái

Trên cơ sở Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 27/8/2021 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất

và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình về khu công nghiệp sinh thái; thí điểm xây dựng 1 khu công nghiệp sinh thái tại Thành phố.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 7/2022, đã quy định cụ thể tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái. Trong đó nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần hợp tác với nhau (cộng sinh công nghiệp) để tái sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng dư thừa, chất thải, phế liệu của chính mình và của các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp, qua đó tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Những nỗ lực triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp đã và đang giúp TP.HCM giảm chất thải ra môi trường, đồng nghĩa với việc giảm thiểu nguy cơ sự cố chất thải gây ra những hệ lụy khôn lường cho người dân và doanh nghiệp.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV