Với tốc độ phát triển nhanh kinh tế xã hội đồng thời sức ép về môi trường cũng rất lớn, TP.HCM đang phải lên các kịch bản đối phó với những sự cố về môi trường. Theo UBND TP.HCM, sự cố chất thải có thể xảy ra, đặc biệt là mùa mưa bão, triều cường hoặc do tác động vô ý của con người. Vì vậy, Sở TN&MT TP.HCM đã đưa ra dự thảo kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải.

Cụ thể tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, UBND TP.HCM chuẩn bị ban hành Kế hoạch ứng phó với sự cố chất thải của thành phố. Theo đó, 19 khu vực có nguy cơ cao về sự cố chất thải của thành phố sẽ được lên kế hoạch ứng phó khi xảy ra sự cố. TP.HCM sẽ triển khai công tác này với tinh thần “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 19 khu vực có nguy cơ cao gặp sự cố chất thải đối với chất thải rắn, chất thải lỏng và khí. Trong đó, 4 khu vực có nguy cơ sự cố chất thải rắn, gồm: Bãi chôn lấp Đa Phước tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước; bãi chôn lấp số 1, 1A, 2 và 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc; bãi chôn lấp Gò Cát; bãi chôn lấp Đông Thạnh.

27tphcm 19 khu.jpg
4 khu vực có nguy cơ sự cố chất thải rắn của TP.HCM, gồm: Bãi chôn lấp Đa Phước tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước; bãi chôn lấp số 1, 1A, 2 và 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc; bãi chôn lấp Gò Cát; bãi chôn lấp Đông Thạnh. 

11 khu vực có nguy cơ sự cố chất thải lỏng, nguy cơ nước thải tràn ra môi trường trong những ngày mưa gió như: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận 12...; các bệnh viện khu vực nội đô...

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng còn có 4 khu vực có nguy cơ sự cố chất thải khí, gồm: các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và TP. Thủ Đức; Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước. Như vậy, cả 19 khu khực có nguy cơ cao này đang được thành phố khoanh vùng, giám sát chặt chẽ và xây dựng kế hoạch/ kịch bản ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Cụ thể, để ứng phó với các sự cố chất thải của mỗi khu vực, TP.HCM sẽ có những kịch bản riêng và yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp... có liên quan tích cực chủ động phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

Trên tinh thần không để sự cố lan rộng, phòng ngừa là chính và khi xảy ra sự cố cần ứng phó phải thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”; phối hợp, huy động mọi nguồn lực tham gia hiệu quả. Đặc biệt, TP.HCM đã xây dựng 6 tình huống sự cố chất thải có thể xảy ra và 5 biện pháp ứng phó cho tất cả 3 loại hình khu vực có nguy cơ cao của 19 khu vực nói trên.

Bên cạnh đó, để có thêm nguồn lực trong việc duy trì chế độ tuần tra kiểm soát, lực lượng ứng trực tại chỗ TP.HCM cũng quy định tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải sẽ phải chi trả phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải. Với tinh thần, khu vực nguy cơ cao thuộc địa bàn quận huyện nào thì lãnh đạo chính quyền nơi đó chịu trách nhiệm cao nhất trước UBND thành phố, tránh tình trạng buông lỏng trách nhiệm quản lý.

Thu Hoài và nhóm PV, BTV