Có thể khẳng định, đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả nặng nề trên mọi mặt, khiến thành phố bị tổn thương nhiều nhất.
Cụ thể, năm 2021 kinh tế rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm 4%. Rõ ràng, một nền kinh tế luôn tăng trưởng 7-8% đến âm (4%) cho thấy ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Sau dịch, thế giới xảy ra xung đột vũ trang ở nhiều nơi. Đặc biệt, xung đột Nga-Ukraine phức tạp và kéo dài. Thêm vào đó, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc này gây nên tình trạng khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu, dẫn đến lạm phát tăng cao. Nhiều quốc gia thực hiện thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, dẫn đến thương mại quốc tế và đầu tư toàn cầu sụt giảm. Thế giới rơi vào suy giảm-lạm phát.
Bối cảnh đó đã tác động bất lợi đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của TP.HCM. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có những tồn đọng, yếu kém cần xử lý, như vụ Vạn Thịnh Phát…
Vừa phòng thủ với các thách thức bên ngoài, vừa xử lý các tồn đọng và phát sinh mới bên trong... khiến kinh tế-xã hội của TP.HCM càng thêm khó khăn.
Tình hình đó dẫn đến sự sụt giảm của kinh tế thành phố. Nhất là, quý 1/2023 chỉ đạt tăng trưởng 0,7%, đã chạm vào lòng tự ái của cả thành phố Anh hùng.
Và khi lòng tự ái trỗi dậy, cả thành phố đã quyết tâm hành động. Cả hệ thống chính trị, người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp đã bình tĩnh nắm lấy các cơ hội để vượt qua thách thức, khó khăn.
Bằng các giải pháp phù hợp, cùng với “đặc sản” của thành phố là năng động, sáng tạo, dám nghĩ - dám làm, tình hình kinh tế đi vào ổn định và tăng dần qua từng quý.
Từ quý 1 tăng trưởng chỉ 0,7%, đến quý 4 đã vượt lên 9,62% và cả năm đạt 5,81%.
Kết quả đó thể hiện đầy đủ quyết tâm mạnh mẽ, không chịu thua, không khuất phục trước các yếu tố khó khăn của toàn thành phố.
Kết quả đó cũng phản ánh được tinh thần truyền thống cách mạng kiên cường của thành phố Anh hùng. Và cũng thể hiện được tinh thần “Cha ông ta đã làm được, thế hệ trẻ phải làm được”.
KINH TẾ VƯỢT LÊN NHỜ YẾU TỐ TFP
Thực tế cho thấy, để nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì sự tăng trưởng không chỉ nhờ vào quyết tâm chính trị cao, mà còn các yếu tố khác.
Trong đó, yếu tố chính giúp TP.HCM vượt qua sự suy thoái kinh tế là TFP. TFP ở đây là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, nhờ vào tác động của các nhân tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động.
Cụ thể, khi đại dịch Covid 19 bùng phát, các chỉ số góp phần phát triển kinh tế đều suy giảm nghiêm trọng.
Trong đó, số lao động giảm từ 4,713 triệu người (năm 2019) xuống còn 4,61 triệu người (năm 2023).
Về vốn đầu tư cũng suy giảm, theo đó, vốn đầu tư xã hội từ hơn 446 nghìn tỷ đồng (năm 2019) giảm xuống còn hơn 375 nghìn tỷ đồng (năm 2023).
Trong khi, yếu tố nguồn lao động và vốn đầu tư góp phần khoảng 60% cho tăng trưởng kinh tế thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố còn phải tái cơ cấu thị trường tài chính, thị trường bất động sản thì đóng băng… Những trụ cột tăng trưởng như thương mại, dịch vụ, tài chính, xuất nhập khẩu…bị ảnh hưởng do tái cơ cấu và chấn chỉnh.
Phân tích đơn giản cho thấy, khi cả hai yếu tố lao động và dòng vốn đầu tư quyết định tăng trưởng đều giảm, nhưng kinh tế TP.HCM vẫn đạt tốc độ tăng trưởng qua từng quý và cả năm 2023 là 5,81%.
Phải chăng, yếu tố còn lại (chiếm khoảng 40%) đã tác động đến tăng trưởng kinh tế thành phố chính là TFP. Và hiện nay, TFP đã nâng lên tỷ lệ 50%, tương ứng với yếu tố lao động và vốn chỉ còn 50%.
Bên cạnh đó, khi dòng vốn đầu tư xã hội suy giảm, TP.HCM đã đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, dẫn dắt nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Dù chỉ tiêu giải ngân không đạt mục tiêu đề ra, nhưng con số giải ngân tuyệt đối hơn 49 nghìn tỷ đồng (gần gấp đôi so với các năm trước) cho thấy quyết tâm cao của lãnh đạo TP.HCM.
CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ TĂNG TRƯỞNG XANH
Chủ đề của năm 2024 là quan tâm thực hiện hiệu quả 2 việc: chuyển đổi số và triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Trong đó, chuyển đổi số là con đường quyết định tăng trưởng kinh tế bền vững và tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Do đó, thời gian tới, để chuyển đổi số có thể đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, thành phố phải đẩy mạnh công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quản trị; hoàn thiện, phát triển và vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để liên thông, kết nối. Hợp tác, hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài, tổ chức quốc tế trong các sáng kiến và chương trình về chuyển đổi số.
Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, áp dụng thanh toán điện tử, tập trung chuyển đổi số vào các ngành kinh tế trọng điểm như khu công nghiệp, du lịch, nông nghiệp.
Tăng cường đầu tư cho hạ tầng số; có chính sách thu hút, quan tâm đầu tư giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi số...
TP.HCM là siêu đô thị đông dân (khoảng 13 triệu người) và tỷ lệ người dân sử dụng các thiết bị thông minh lớn thì cơ hội thực hiện chuyển đổi số của thành phố là rất cao.
Tuy nhiên, đi đôi với chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về an ninh mạng và quản trị dữ liệu nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các doanh nghiệp khi thực hiện khai thác dịch vụ trên không gian số (các vấn đề về tín dụng đen, đánh bạc qua các ứng dụng di động; lừa đảo trực tuyến; đánh cắp dữ liệu cá nhân, ...).
Đồng thời, thành phố thành lập Trung tâm chuyển đổi số để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu trên.
Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, yếu tố TFP sẽ quyết định sự tăng trưởng của thành phố trong năm 2024.
Bên cạnh đó, chủ đề quan trọng của năm này còn là “quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội”.
Trong năm vừa qua, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm các chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, HĐND TP đã thông qua hàng chục quyết nghị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống. Nhiều phần việc được triển khai nhanh, như quyết nghị cho vay giảm nghèo; trả lương trăm triệu để thu hút nguồn lao động chất lượng cao; giải ngân vốn đầu tư công để tái khởi động nhiều dự án treo lâu năm vì vướng mắc nội tại…
Sự quyết liệt triển khai Nghị quyết 98, cùng với việc xử lý các tồn đọng của lãnh đạo thành phố đã mang lại niềm tin cho người dân vào sự phục hồi mạnh mẽ của thành phố; tin vào nỗ lực với các chính sách thành phố đang làm.
Đồng thời, năm 2024 là năm có tính chất quyết định về đích của giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Đây là năm thứ 4 của kế hoạch 5 năm nên thường sẽ phải đạt chỉ số phát triển cao nhất. Các địa phương sẽ phải tăng tốc mạnh nhất trong năm này để có báo cáo cho đầu năm 2025 hết nhiệm kỳ.
Dự tính, tốc độ tăng trưởng của TP.HCM trong năm 2024 sẽ bứt phá so với trước dịch (năm 2019), đạt từ 7,5-7,8%. Kịch bản 2 có thể là 6,5-7% và thấp nhất là 6-6,5%.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng