Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành nhiều văn bản để triển khai các chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025.
Tổ chức cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp theo từng năm; tổ chức hội nghị kết nối chuyên đề theo một số lĩnh vực TP.HCM ưu tiên phát triển; chương trình ký kết cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp do các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ trì thực hiện; nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Trong năm 2022, đã có 13 ngân hàng hỗ trợ cho 32.500 doanh nghiệp vay hơn 568.340 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 20 ngân hàng đăng ký với 453.070 tỷ đồng. Đến nay, chương trình kết nối đã thực hiện với hơn 134.112 tỷ đồng cho 31.959 khách hàng vay.
Sở Công thương tham mưu UBND TP ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cao su - nhựa giai đoạn 2020 - 2030; tổ chức các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa TP và các tỉnh, thành; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP với các tỉnh; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP với các tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC cho biết, hiện HFIC đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành liên quan hoàn thành dự thảo chương trình cho vay kích cầu đầu tư và dự kiến sẽ trình Hội đồng Nhân dân trong kỳ họp tháng 9/2023.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, chương trình kích cầu đầu tư mới được áp dụng cho doanh nghiệp có 100% vốn trong nước ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; sản xuất nông nghiệp-chế biến nông sản; chế biến lương thực thực phẩm; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường (xây dựng nhà ở, xử lý nước thải, chuyển đổi phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang nhiên liệu xanh, năng lượng mặt trời); hoá dược, cao su-nhựa; dệt may, da giày; cho đến các dự án đầu tư y tế, giáo dục, thể thao…
Dự thảo chương trình cũng nâng cấp hạn mức vay lên 200 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng như ở các kỳ trước; mức hỗ trợ lãi suất có thể là 50% hoặc 100% tùy vào nhóm đối cụ thể; thời gian hỗ trợ trong khoảng 5-7 năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh… trên địa bàn Q.1.
Trong đó, nổi bật là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2023 khi các ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất, cho vay với lãi suất phù hợp và tăng hạn mức tín dụng với 20 ngân hàng tham gia.
Theo ông Lệnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng, doanh nghiệp khỏe thì ngân hàng khỏe. Ngân hàng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tuy nhiên nếu doanh nghiệp yếu, không đủ điều kiện mà vẫn tiếp tục cho vay sẽ để lại hệ quả.
"Doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn vay hay khó khăn về cơ chế chính sách, chúng tôi sẽ tiếp thu để khắc phục, tháo gỡ vướng mắc", Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, thời gian qua, với nỗ lực phối hợp của các cơ quan trên địa bàn thành phố, chương trình kích cầu đầu tư đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại thay thế hàng nhập khẩu; thúc đẩy xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đảm bảo việc thực hiện chương trình kích cầu đầu tư phù hợp với tình hình hiện nay, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các nội dung và thủ tục đăng ký tham gia chương trình; cải cách các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn.