Năm 2022, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Trung ương, với ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố; trên tinh thần thích ứng linh hoạt, chủ động, quyết liệt, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các biện pháp khắc phục các vấn đề tồn đọng, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhanh hơn kỳ vọng và dự báo, đồng bộ và khá toàn diện; quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6+6,5%); thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực với 471.562 tỷ đồng, đạt gần 122% dự toán và tăng 23,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3%...

Có thể nói, kết quả thu ngân sách là một trong những điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng năm 2022 của thành phố.

Cùng với đó, nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của thành phố đã vươn lên mạnh mẽ. Các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục cải thiện nâng lên.

Một góc thành phố Hồ Chí Minh

Công tác đối ngoại được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Thành phố đã tạo chuyển biến tích cực, nhất là công tác xây dựng Đảng; mỗi cán bộ đảng viên làm đúng và làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao, gắn với tự giác tu dưỡng, rèn luyện.

Thành phố từng bước điều chỉnh, sắp xếp bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch. Việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư thành phố, điển hình như đưa vào hoạt động cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và thành phố Thủ Đức; dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn); dự án đường song hành Võ Văn Kiệt (quận 1)…

Trong năm 2022 cũng ghi nhận những nỗ lực đột phá của thành phố trong việc tạo chuyển biến tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu, nhất là dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành-Tham Lương), đường Vành đai 3 (dự kiến khởi công trong tháng 6/2023), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng thời gian tới.

Hồ Thị Nhụy, Minh Hưng, Lê Thị Na