Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 12,6 nghìn ca mắc tay chân miệng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 182 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.
Tổng cục Thống kê cho biết, theo Báo cáo của Bộ Y tế trong tháng (19/5 – 18/6/2023), cả nước có 3.334 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 5.383 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 31 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 56 trường hợp mắc viêm não virus; 2 trường hợp mắc bạch hầu; 3 trường hợp mắc viêm màng não do mô cầu.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 34,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 182 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 12,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 119 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 2 trường hợp mắc bạch hầu; 8 trường hợp mắc viêm màng não do mô cầu.
Thời gian học sinh quay lại trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2
Theo nhận định của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và có thể kéo dài thêm 3 – 4 tháng nữa mới có thể lắng xuống. Đặc biệt, thời gian học sinh quay lại trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng nên cần tăng cường kiểm soát, phòng tránh dịch lây lan.
Hôm 4/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần 30 (tính từ 24/7 đến ngày 30/7) số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca.
Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân tăng cao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Theo ngành y tế, mùa dịch 2011 và 2018 là những năm xuất hiện sự lưu hành của chủng virus EV71, mùa dịch kéo dài 5 - 6 tháng và năm nay, TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện chủng virus EV71. “Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã bắt đầu được 2 tháng và theo như mùa dịch của những năm xuất hiện chủng virus EV71, chúng ta phải tiếp tục chuẩn bị những biện pháp phòng dịch tay chân miệng trong khoảng 3 - 4 tháng nữa thì dịch mới có thể xuống được”, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, với nguyên nhân gây bệnh là Enterovirus (EV71) - chủng virus có độc lực cao, rất dễ làm bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Cụ thể, đã có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của Thành phố, tuy nhiên đều có hộ khẩu từ các tỉnh, thành khác đến. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018 nên Sở Y tế khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Về công tác điều trị, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã giao cho các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức những lớp huấn luyện trong hệ thống y tế, từ công lập đến tư nhân về kỹ năng chẩn đoán bệnh tay chân miệng cũng như xử lý ca bệnh. Đồng thời, các bệnh viện thành phố hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh về chuyên môn để giảm bớt việc chuyển viện lên bệnh viện thành phố. Song song đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với các công ty viễn thông tại TP Hồ Chí Minh gửi tin nhắn đến từng người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố, nhằm kêu gọi sự tham gia của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có vaccine phòng ngừa bệnh tay chân miệng, vì vậy việc phòng dịch tay chân miệng vẫn dựa vào các biện pháp vệ sinh cá nhân để tránh lan truyền trực tiếp giữa các trẻ. Theo đó, để phòng bệnh trong trường học, cần vệ sinh bề mặt trẻ thường xuyên tiếp xúc; phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và cách ly để hạn chế sự lây lan; đồng thời tập cho trẻ những thói quen rửa tay thường xuyên.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh không nên chủ quan tự theo dõi tại nhà mà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Theo đó, khi trẻ có một trong 3 triệu chứng của bệnh thì cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.