Trước kia, vùng hồ Đại Lải (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) là một thung lũng cằn cỗi nằm giữa dải núi Thằn Lằn và các quả đồi trọc. Năm 1984, khi những mảng đồi trọc được phủ xanh, vùng hồ Đại Lải được đưa vào khai thác du lịch.

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đại Lải cảnh quan núi non, sông nước hữu tình. Hồ Đại Lải là hồ nước nhân tạo. Thời điểm mới xây dựng hồ dùng để sản xuất nông nghiệp và xả lũ cho toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng diện tích của hồ chiếm 525ha với rừng cây rộng lớn bao bọc xung quanh. Phía bắc hồ là dãy núi Tam Đảo trùng điệp, xa xa là những cánh rừng xanh biếc ngút ngàn, xen lẫn những thung lũng tự nhiên, các triền đồi bát úp cùng các hẻm núi nhô ra tạo nên các eo và bán đảo hoang sơ. Những gò đồi áp sát triền núi được xâu chuỗi nối dài bởi những đập đất kiên cố tạo thành bức tường thành vững chắc giữ nước cho hồ. Sự kết hợp hài hòa giữa hồ và núi tạo nên một không gian khoáng đạt, tựa như bức tranh thủy mặc sống động, đầy sắc màu thiên nhiên. 

Nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở đây chỉ khoảng 28,90C, mùa đông khoảng 16,80C, là điều kiện lý tưởng để du khách có những kỳ nghỉ dưỡng cuối tuần thư giãn, thoải mái. Nhờ cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng cùng thời tiết ôn hòa mà khu du lịch Đại Lải được đưa vào khai thác nghỉ dưỡng chính thức. 

W-dulich.png
Một góc hồ Đại Lải

Để thực hiện hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, đồng thời đóng góp quan trọng vào mục tiêu “Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững”, tại Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh đã định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch bao gồm các vành đai phát triển du lịch, đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc; các trung tâm du lịch như: Thành phố Vĩnh Yên, Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên và Khu du lịch Đại Lải.

Từ chủ trương đó của tỉnh, Vĩnh Yên đã đầu tư xây dựng chương trình quảng bá phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng Đề án phát triển du lịch, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông thu hút các nhà đầu tư; tăng các tuyến phục vụ du lịch từ Đại Lải kết nối với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Cùng với đó, hoàn thiện quy hoạch chi tiết Khu du lịch Đại Lải để thuận lợi cho việc quản lý và tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển thành vùng dịch vụ, du lịch trọng điểm của thành phố nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Để khai thác tối đa lợi thế cảnh quan của hồ, địa phương đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp Khu du lịch hồ Đại Lải với đường dạo ven hồ chiều dài 1,1km; hoàn thành dự án công viên cây xanh khu du lịch Đại Lải. Đồng thời, tiến hành sửa chữa nhà Ban quản lý Khu du lịch Đại Lải; hoàn thành dự án đường đi Thung lũng Thanh Xuân với chiều dài trên 1,7km… tạo bộ mặt mới cho du lịch địa phương.

Tại dự án chỉnh trang Khu du lịch Đại Lải là dự án nhóm C, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV, với tổng mức đầu tư gần 31,5 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Quy mô đầu tư dự án bao gồm khu công viên cây xanh 3C và bãi đỗ xe khu công viên cây xanh 3C, tổng diện tích thực hiện gần 2.100m2. Trong đó, thực hiện phá dỡ toàn bộ công trình hiện trạng, san nền, kè tường, trồng cây xanh, lát đá và đầu tư đồng bộ hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, nhà vệ sinh.

Hiện nay, toàn bộ các hạng mục khu công viên cây xanh 3C và bãi đỗ xe khu công viên cây xanh 3C đã hoàn thành 100% tổng giá trị khối lượng công trình, đang tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng phục vụ dịp du lịch hè năm 2024.

Không thể phủ nhận, thời gian qua, với những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hạ tầng Khu du lịch Đải Lải nói riêng, Vĩnh Yên theo hướng điểm đến hấp dẫn, tạo ra hệ sinh thái trải nghiệm đa dạng cho nhiều đối tượng du khách. Với sự đầu tư bài bản và không ngừng đổi mới sản phẩm du lịch, Vĩnh Yên tiếp tục khẳng định điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong nước và quốc tế với mục tiêu đón 10 triệu lượt du khách năm 2024.

PV