Đầu năm 2024, toàn TP.Pleiku (Gia Lai) còn 149 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,24%. Theo mục tiêu tỉnh giao, năm nay thành phố cần giảm ít nhất 51 hộ nghèo. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và huy động từ các chương trình khác với sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng, thành phố quan tâm, chia sẻ với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình theo đa chiều, toàn diện: đa dạng hoá sinh kế, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà ở, BHYT, dinh dưỡng...
Ngày 27/11, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Pleiku đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024. Dự án này được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ nghèo và cận nghèo, giúp cải thiện thu nhập và phát triển bền vững.
Trong 59 hộ dân tham gia có 9 hộ nghèo, 37 hộ cận nghèo, 1 hộ mới thoát nghèo và 12 người khuyết tật không có sinh kế ổn định tại 9 xã, phường. Các hộ dân đã đăng ký nhận hỗ trợ gồm: giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng và trị bệnh, phân bón cho cây cà phê tái canh cùng các vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Họ được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku truyền đạt những kiến thức thực tiễn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho các vật nuôi như bò cái lai sinh sản, heo thịt và gà thịt. Đồng thời, các hộ dân còn được hướng dẫn kỹ thuật bón phân cho cây cà phê tái canh, sử dụng máy móc và vật tư trong sản xuất nông nghiệp.
Trước đó, cuối tháng 10, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku đã trao hơn 2.000 con gà H'Mông thương phẩm cho 10 hộ dân có mức sống trung bình tại 5 xã, phường gồm: Biển Hồ, Tân Sơn, Thắng Lợi, Trà Bá và Gào. Tổng kinh phí trên 300 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ trên 210 triệu đồng, nhân dân đối ứng hơn 90 triệu đồng). Bảy hộ dân ở các xã: An Phú, Trà Đa, Chư Á và Gào cũng nhận 42 con dê sinh sản với tổng kinh phí trên 306 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ gần 210 triệu đồng, nhân dân đối ứng trên 96 triệu đồng).
Trước khi nhận sinh kế, các hộ dân đã được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách làm chuồng trại và quy trình kỹ thuật về tiêm phòng vắc xin, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Giai đoạn 2021-2024, TP. Pleiku được phân bổ hơn 4,8 tỷ đồng để thực hiện Dự án 2- Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn này đã tạo sinh kế thiết thực, đúng nhu cầu, trúng đối tượng, giúp hàng chục hộ vươn lên thoát nghèo (năm 2022-2023 có 197 hộ thoát nghèo).
Không phụ thuộc, trông chờ vào ngân sách nhà nước, các địa phương tại TP.Pleiku năng động trong việc huy động sự hỗ trợ của các ban, hội, đoàn thể và cộng đồng.
Gia đình bà Trần Thị Phượng (trú tại thôn 4, xã Trà Đa, TP.Pleiku) trở nên khánh kiệt từ khi người chồng mắc ung thư. Nhà ở xuống cấp đến mức xiêu vẹo cũng không có tiền sửa chữa. Vừa rồi UBND xã kêu gọi hỗ trợ kinh phí xây dựng 1 ngôi nhà kiên cố và hỗ trợ tiền ăn hàng ngày cho các con của bà.
Biết hoàn cảnh ngặt nghèo của bà, Hội Phụ nữ và UBND xã hỗ trợ 5 triệu đồng để có tiền thuê người thu hoạch cà phê. Mới đây, gia đình còn được hỗ trợ 1 máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cũng thuộc diện hộ nghèo ở xã Chư Á, gia đình bà H’Nak rất khó khăn khi bà phải nuôi 5 người con và người em chồng bị tàn tật. UBND xã Chư Á đã hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản theo mô hình dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Chăm sóc bò như một "thành viên" trong gia đình, nay bò mẹ đã sinh thêm 1 bê con, gia đình rất vui.
"Chúng tôi sẽ không bán bò đi mà tiếp tục chăm nuôi gây đàn. Gia đình cũng được các cấp chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn trồng rau xanh, trồng trọt để bán nên có thêm nguồn thu nhập, chỉ mong ngày thoát nghèo", bà nói.
Ngoài bà Phượng, 4 năm qua, gần 100 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP.Pleiku đã được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. Người dân nghèo, cận nghèo cũng được thành phố vận động hỗ trợ cây con giống, phân bón, vốn sản xuất 1,2 tỷ đồng; giúp 252 hộ mới thoát diện hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi trên 13,8 tỷ đồng...
Bên cạnh trao sinh kế, hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất phù hợp với đời sống người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân thoát nghèo.
Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Gia Lai, tính đến tháng 9, tổng nguồn vốn ủy thác tín dụng chính sách của TP.Pleiku đã đạt hơn 18 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng so với năm 2023. Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên quản lý, đang phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào việc phân bổ nguồn vốn đến tay người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Những tổ chức này không chỉ hỗ trợ người dân tiếp cận vốn, mà còn hỗ trợ họ lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh hiệu quả.