Theo thống kê của ngành chăn nuôi thành phố Sông Công (Thái Nguyên), trên địa bàn hiện có hơn 4.800 con trâu, bò; hơn 23.000 con lợn và trên 1,2 triệu con gia cầm.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các ổ dịch động vật như lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… tái phát, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh mới, thành phố đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi.

Cuối tháng 1 và tháng 3/2021, trên địa bàn xuất hiện đồng thời dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Địa phương đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi và số lượng trong diện tiêm phòng để đăng ký vắc-xin tiêm phòng bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thú y tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm. Các hộ chăn nuôi cũng được tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng, chống các loại dịch bệnh.

Bà Vi Thị Bích ở phường Lương Sơn đang chăn nuôi 5 con bò. Bên cạnh sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở, và đã chủ động tìm hiểu thông tin dịch bệnh qua nhiều kênh khác nhau để thực hiện biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Cùng với đó, chú trọng nâng cao chế độ dinh dưỡng cho đàn bò để tăng sức đề kháng, thường xuyên theo dõi sức khỏe vật nuôi nhằm phát hiện sớm khi chúng mắc bệnh.

Xã Bá Xuyên hiện có gần 30 trang trại và gia trại chăn nuôi. Với mục tiêu thúc đẩy chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được xã và người dân chú trọng.

Hầu hết các hộ chăn nuôi đã chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh từ khâu lựa chọn con giống đến việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại và áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Bên cạnh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, thành phố Sông Công cũng tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Khi vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh, người dân được yêu cầu phải khai báo sớm với cán bộ thú y và chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời.

Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm… từ bên ngoài vào địa bàn. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Trần Thường