Biểu tượng biểu trưng cho nét đẹp Tây Ninh

Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh nằm ở vị trí “vàng” của tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh 99km theo quốc lộ 22, cách cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài 30km (tỉnh lộ 786) và cách cửa khẩu Quốc tế Xa Mát 40km (quốc lộ 22B). Địa hình thành phố Tây Ninh là vùng gò tương đối bằng phẳng, khá thuận lợi cho việc tổ chức mặt bằng sản xuất, xây dựng các công trình. Đặc biệt, phía Bắc thành phố Tây Ninh có núi Bà Đen, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986m). 

Là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, những năm qua diện mạo đô thị thành phố đã có nhiều khởi sắc. TP đang phấn đấu đến năm 2030, đạt 75% tiêu chuẩn của đô thị loại I; phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo vệ môi trường, giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc của đô thị…

Toạ lạc ngay trung tâm thành phố, biểu tượng Vòng xoay là một dấu mốc quan trọng đánh dấu một Tây Ninh đang trên đà hội nhập phát triển nhưng vẫn không hề mai một bản sắc quê hương.

Vòng xoay được thiết kế dựa trên những đặc trưng của Núi Bà Đen-một vẻ đẹp đầy vững chãi nhưng không hề mất đi nét thanh thoát vốn có. Hơn thế, chân đế còn được thiết kế đặt dưới ánh nước tạo khung cảnh núi Bà sừng sững hiên ngang đang soi bóng mặt Hồ Dầu Tiếng-hồ nước nhân tạo đầu tiên, lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Điểm nhất thiết kế ở thành phố Tây Ninh còn có Công viên 30/4- một trong những công viên có “tuổi thọ" cao nhất ở mảnh đất Tây Ninh. Được bao bọc bởi những tán cây xanh ngát ngay giữa lòng đô thị đông đúc khói bụi, nơi đây như một thiên đường mà ai cũng muốn ghé thăm.

Hướng đến xây dựng “đô thị xanh”

Thành phố Tây Ninh được định hướng phát triển là đô thị kinh tế - sinh thái (ECo City) từ hơn 10 năm trước theo quy hoạch chung thành phố năm 2013, hiện nay định hướng xây dựng “đô thị xanh” vẫn tiếp tục được kế thừa và phát triển. Theo định hướng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, phát triển Uỷ ban nhân dân trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thông minh, sinh thái và đáng sống. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố đạt 75% tiêu chuẩn của đô thị loại I, lấy thương mại, dịch vụ và du lịch làm động lực phát triển chính.

tayninh.png
Một góc thành phố Tây Ninh

Đến nay, thành phố đã xây dựng cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, Đề án nâng loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại II đã thông qua các cấp của tỉnh, hiện đang trình Bộ Xây dựng xem xét. Song song đó, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trong các công tác quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, quản lý đô thị,…

Bên cạnh đó, tự hào mà nói, thành phố đã và đang gặt hái được nhiều thành công về mọi mặt, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện, đồng bộ kết nối. Các đường chính nội thành, hẻm nội thành được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 90%, đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đạt 100%; hệ thống chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường chính đạt 100%; các công viên được chỉnh trang, nâng cấp, xây mới,… góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt, mỹ quan đô thị và nhu cầu của đời sống xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn đang được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen theo Quyết định số 1099/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng 2 dự án đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chấp thuận nhà đầu tư là Khu đô thị mới tại phường Ninh Thạnh và dự án chỉnh trang chợ thành phố. Ngoài ra, thành phố Tây Ninh còn tập trung đầu tư các dự án giao thông như đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nguyễn Văn Rốp, đường Lê Duẩn,… Những dự án trọng điểm này kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Tây Ninh trong giai đoạn mới.

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV