- TP.HCM đã tiếp thu mô
hình 141 của Hà Nội. Nhưng Hà Nội có quá nhiều “đầu gấu” sẵn sàng
chống người thi hành công vụ nên mới cần "ông" cơ động. TP.HCM chưa tới mức đó - Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM trả lời chất vấn về nạn cướp giật chiều
6/12 trước HĐND TP.
Sau phần trả lời của ông Minh sáng nay, nhiều ĐB còn muốn Phó giám đốc Công an TP giải trình thêm nhiều vấn đề người dân quan tâm như lực lượng dân phố, công cụ hỗ trợ cho công an bắt cướp… đặc biệt là chuyện có nên lập lực lượng 141 như Hà Nội đang làm.
Mô hình săn bắt cướp có khiếm khuyết?
ĐB Lâm Đình Chiến nêu hai câu hỏi cần sự trả lời thẳng thắn của Công an TP. “Thứ nhất, trong tình trạng hiện nay có nên lập lại lực lượng SBC như Hà Nội có lực lượng 141 hay không? Thứ hai, thành phố tiếp nhận khoảng hơn 10.000 người nghiện hồi gia, Công an TP quản lý những người này ra sao?”, ông Chiến nêu vấn đề.
Đại biểu HĐND tiếp tục truy giải pháp chống nạn cướp giật |
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa cho rằng, hiệp sĩ đường phố có nhiều hoạt động tích cực trong phòng chống tội phạm. Ranh giới giữa hiệp sĩ và người phạm tội là rất mong manh như trường hợp nhóm hiệp sĩ ở Bình Dương. “Vậy Công an TP có đánh giá gì về mô hình này?”, ông Nghĩa nói.
Trả lời chất vấn, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói ông “hiểu rất rõ” SBC là mô hình hoạt động có hiệu quả và được báo chí ca tụng và nằm trong lòng dân hơn chục năm nay. “Thế bây giờ dùng từ hình sự đặc nhiệm thì rất xa lạ nhưng tôi khẳng định rằng khi thành lập lực lượng hình sự đặc nhiệm, tôi có trao đổi với đồng chí Lý Đại Bàng, các đồng chí SBC trước đây và có thể nói rằng, mô hình SBC cũng có những khiếm khuyết cần phải sửa đổi hoặc là không phù hợp với bây giờ”, ông Minh nói.
Lực lượng đặc nhiệm hôm nay cũng đã kế thừa những ưu điểm của SBC trước đây. “Theo tôi, dù là cướp thì cũng không thể dùng từ “săn bắt” cho nên mới dùng từ lực lượng đặc nhiệm. Chúng ta nên chờ đợi một thời gian nữa chứ đừng vội cho rằng, lực lượng hình sự đặc nhiệm hiện nay hoạt động không có hiệu quả bằng mô hình SBC”.
Ông Minh cũng cho rằng, TP.HCM đã nghiên cứu, kế thừa và tiếp thu mô hình 141 của TP. Hà Nội.
“Nhưng Hà Nội có quá nhiều “đầu gấu” sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ cho nên Hà Nội mới cần "ông" cơ động, hình sự đặc nhiệm đi theo bảo vệ. TP.HCM mình chưa tới mức đó, hình sự đặc nhiệm phát hiện cái gì trên bộ đàm báo cho cảnh sát giao thông kiểm tra cái xe đó, chứ không cần một ông làm mà hai ông thợ vịn như vậy, chúng ta đang thiếu lực lượng, không nên lãng phí lực lượng như vậy”, ông Minh khẳng định.
Ngoài ra, trả lời đại biểu trước câu hỏi Công an TP có chủ quan hay không trước những hành động của tội phạm cướp giật, ông Minh thừa nhận có một số chủ quan của công an. “Chúng ta cần xem xét lại”, ông Minh nói.
Cái gì dân bất an thì phải giải quyết
Chia lửa với Phó giám đốc Công an TP, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí khẳng định, cái gì dân lo lắng bất an thì phải đặc biệt quan tâm, có trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn.
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM: Không nên lãng phí lực lượng |
Ông Trí cho biết, thời gian qua, Công an TP đã kéo giảm 7,16% tội phạm hình sự, tỷ lệ phá án là 74%, trên 90% án đặc biệt nghiêm trọng được phá.
“Đó là tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, cơ cấu tội phạm nguy hiểm hiện vẫn còn 20,6%. Đây là vấn đề phải quan tâm”, ông Trí nói.
Theo ông, thời gian tới, TP sẽ tập trung kéo giảm 20% tội phạm nguy hiểm và 71% tội phạm cướp giật và chuyển hóa địa bàn có ma túy.
“Vấn đề đặt ra là sắp tới chúng ta sẽ làm gì. Trước hết, vẫn theo bài học của chương trình 3 giảm. Phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp theo là chúng ta không thể giao hết trách nhiệm chống tội phạm cho Công an TP. Cấp ủy, chính quyền và người dân đều phải có trách nhiệm”, ông Trí khẳng định.
Do đó, ông Trí đề nghị các quận huyện, phường xã phải củng cố lực lượng tại chỗ, trong đó có bảo vệ khu phố, thanh tra xây dựng, hội phụ nữ, đoàn thành niên… có chất keo kết dính, đặt dưới sự chỉ đạo của cấp ủy để chống tội phạm, nhất là tội phạm cướp giật.
Tá Lâm