Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ vừa cho biết, những ngày tới, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 14-16 độ vĩ bắc, đi qua khu vực Trung Bộ hoạt động mạnh.
Gió mùa tây nam chi phối thời tiết khu vực có cường độ trung bình đến mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục đi qua Bắc Bộ hoạt động không mạnh và có xu hướng nâng trục lên phía bắc.
Theo đó, những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, do chịu ảnh hưởng của những hình thế thời tiết có khả năng gây mưa giông nói trên, TPHCM có mưa rào và giông ở diện rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to; chủ yếu xảy ra vào tầm trưa đến chiều tối. Buổi sáng trời nắng nhẹ và ban đêm ít mưa.
“Trong những ngày 31/8 và 1-2/9, khu vực khả năng có mưa vừa, mưa to vào khoảng trưa đến chiều tối”, bản tin nêu rõ.
Đồng thời, những ngày này, nhiệt độ thấp nhất ở TPHCM phổ biến 24-26 độ; nhiệt độ cao nhất 30-33 độ.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng nhận định, từ hôm nay (27/8) đến 3/9, xác suất mưa ở TPHCM ở mức 70%.
Ngoài ra, trên các địa điểm du lịch biển của Nam Bộ, có mưa rào và giông vào buổi chiều, sóng gió không quá mạnh. Khu vực biển TPHCM, gió tây nam phổ biến khoảng cấp 4, cấp 5 giật trên cấp 5.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng vừa cho biết, đêm qua (26/8), ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 19h ngày 26/8 đến 7h sáng nay có nơi trên 90mm như: Na Son (Điện Biên) 103.2mm, Quảng Ngần (Hà Giang) 100mm, Cao Tân (Bắc Kạn) 101.8mm, Đa Kai (Bình Thuận) 104.8mm, Thị trấn Cát Tiên (Lâm Đồng) 93.4mm, Đắc Lua (Đồng Nai) 93.6mm,…
Dự báo, chiều tối và đêm nay ở Bắc Bộ và Thanh Hóa vẫn có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Chiều tối và tối nay, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Cơ quan khí tượng lưu ý các khu vực, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.