Chiều 26/8, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã chủ trì họp báo, cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch.
Mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, trước cuộc họp, báo chí đã gửi đến Ban Chỉ đạo các vấn đề cần trao đổi:
Thứ nhất, đề nghị cung cấp thông tin các trạm y tế lưu động, trao thuốc tại nhà, công tác xét nghiệm…
Về an sinh, báo chí quan tâm túi an sinh, chăm lo và chi trả cho người dân, tiếp nhận người lang thang; tình hình cung ứng hàng hóa và đi chợ thay. Cuối cùng là giao thông, cấp giấy ra đường, mã QR cho xe chở hàng hóa…
Ông Phạm Đức Hải thông tin chi tiết: Hôm nay bước vào ngày thứ 4 thực hiện Công điện của Thủ tướng và Chỉ thị 11 của UBND TP. Qua bốn ngày đạt được kết quả đáng trân trọng, có vai trò lớn của các cơ quan truyền thông.
Công tác hỗ trợ an sinh cho người dân được đẩy mạnh |
Về tổng số trường hợp mắc Covid-19: Tính đến 6h ngày 26/8, có 190.662 ca bệnh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 190.225 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh.
Hiện nay, TP đang điều trị gần 38.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 2.300 trẻ em dưới 16 tuổi, gần 2.700 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 25/8, có hơn 2.100 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là hơn 97.700).
Về kết quả xét nghiệm: từ 18h ngày 24/8 đến 18h 25/8: đã lấy gần 515.000 mẫu, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là gần 480.000 mẫu.
Từ 18h ngày 23/8 đến 18h 24/8: đã lấy hơn 317.000 mẫu, trong đó có hơn 7.000 mẫu đơn và hơn 5.200 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là hơn 265.000 mẫu.
Về tiêm chủng vắc xin: tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 25/8 là hơn 5,6 triệu, trong đó tổng số mũi 1 là gần 5,4 triệu, mũi 2 là gần 237.000, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là gần 574.000.
Ông Hải cũng thông tin, ngày 25/8, Bộ Y tế có văn bản số 7020/BYT-MT về cách ly phòng, chống Covid-19 đối với trẻ em. Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 đã xuất hiện tại hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều trẻ em phải cách ly, theo dõi, điều trị do bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với trường hợp mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, một số trẻ em nhập cảnh cũng thuộc đối tượng phải cách ly phòng, chống dịch. Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly, theo dõi, điều trị, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung về cách ly phòng, chống dịch Covid-19 đối với trẻ em.
TP.HCM khánh thành Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc Covid-19. Trung tâm H.O.P.E (Trường Mầm non Họa Mi 2, số 11 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TP.HCM) do Bệnh viện Hùng Vương thành lập chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này ra đời với mục đích hỗ trợ các bé có mẹ bị mắc Covid-19 trong giai đoạn chưa có gia đình đón về. Hiện Trung tâm H.O.P.E đang có 25 bảo mẫu là các tình nguyện viên, do đó cần thêm người để hỗ trợ.
Cũng trong hôm nay, Sở TT&TT TP.HCM giới thiệu Ứng dụng hỗ trợ tìm giường oxy cho bệnh nhân Covid 19 - App Oxy 247.
App Oxy 247 là ứng dụng trên điện thoại di động được thiết kế đơn giản và tiện lợi nhằm hỗ trợ cho các bệnh nhân Covid-19, cơ quan y tế tìm nhanh chóng bệnh viện còn giường oxy và máy thở để kịp thời liên hệ, phục vụ các tình huống khẩn cấp cần cấp cứu bệnh nhân.
App Oxy 247 được xây dựng theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP và phối hợp giữa các Sở TT&TT, Y tế và Xây dựng.
Về giao thông, ông Hải cho biết, để tạo thuận lợi cho các đơn vị vận tải, ngày 25/8, Sở GTVT tiếp tục có văn bản (số 9438/SGTVT-KT0) thông tin thêm về công tác cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR.
Trong đó, hướng dẫn cụ thể về các đầu mối để các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ (tất cả hồ sơ này sẽ chuyển về Sở GTVT qua phần mềm zalo hoặc phần mềm liên thông).
Sau khi nhận hồ sơ từ các đầu mối, Sở GTVT sẽ giải quyết và trả kết quả trong vòng 24 giờ, phương thức trả qua phần mềm liên thông hoặc phần mềm zalo để các tổ chức, cá nhân in mã QR.
Đối với phương tiện chở hàng hóa là vật tư y tế do Sở Y tế là đầu mối, đề nghị Sở GTVT giải quyết trong thời gian 8 giờ (1 ngày làm việc).
Đối với phương tiện chở oxy, Sở GTVT giải quyết trong thời gian 4 giờ.
Hơn 400 trạm y tế lưu động hoạt động
Cũng tại buổi họp, đại diện Sở Y tế thông tin tính đến thời điểm hiện tại, TP có 401/413 trạm y tế lưu động đã chính thức hoạt động. Riêng Nhà Bè và Củ Chi đang khẩn trương triển khai bổ sung cho đầy đủ số trạm.
Đội ngũ y tế điều trị F0 tại bệnh viện dã chiến thu dung số 6 (TP Thủ Đức). Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Sở Y tế cũng cập nhật “hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.4. Theo đó, có bổ sung hoạt động của trạm y tế lưu động, điều kiện cách ly tại nhà và điều chỉnh về hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà cho người F0.
Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện và TP Thủ Đức phụ trách chăm sóc và điều trị 23.197 người F0 cách ly tại nhà (số liệu tính đến 8h 25/8). Thực hiện 4/6 hoạt động chính:
Thứ nhất, khám bệnh và theo dõi sức khỏe:
Trạm Y tế lưu động quản lý danh sách các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn được phân công phụ trách (Trung tâm Y tế quận, huyện căn cứ vào số trường hợp F0 mới phát hiện phân công cho các Trạm Y tế lưu động trên địa bàn phường, xã, thị trấn).
Trạm Y tế lưu động tổ chức thăm khám và theo dõi sức khỏe tại nhà cho người F0, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 có triệu chứng, các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần,…) để kịp thời đưa đến các cơ sở cách ly điều trị.
Hướng dẫn người F0 khai báo tình hình sức khỏe mỗi ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử, lập phiếu theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng nặng để phối hợp với Tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị.
Hướng dẫn người F0 gọi tổng đài “1022” và bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc bấm số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”.
Cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người F0 hàng ngày vào phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”.
Thứ hai, hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà:
Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi rút, thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.
Thuốc kháng vi rút dạng uống (Molnupiravir) được chỉ định đối với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, thuốc này được Bộ Y tế cung cấp trong Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát.
Thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống được chỉ định khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm thấy khó thở, nhịp thở > 20 lần/phút…) nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ. Thời gian người F0 tự uống không quá 3 ngày.
Trong thời gian này, người bệnh cần phải tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ, tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ quyết định cho người bệnh dùng tiếp thuốc này cho đủ 7 ngày.
Thứ ba, xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà:
Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc RT-PCR) cho người F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.
Làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người nhiễm khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Thứ tư, cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà:
Hướng dẫn người F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi… thì gọi ngay tổng đài “115” hoặc gọi số điện thoại của Trạm Y tế lưu động, Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Sở Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế TP Thủ Đức, quận, huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người mắc Covid-19 cách ly tại nhà.
Đi tiêm vắc xin, tái khám được lưu thông
Báo chí đề cập đến thông tin khó khăn đi lại về tái khám, đi lấy thuốc ở các bệnh viện; khó khăn cho các phương tiện và cá nhân chuyên chở thiết bị y tế, thuốc men, oxy. Giải đáp những vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP cho biết, giấy đi đường, Công an không cấp giấy cho phương tiện, chỉ cấp cho cá nhân và cấp cho cá nhân thì thuộc diện TP cho phép lưu thông.
Đối với chở thuốc men, vật tư y tế Công an TP có văn bản chỉ đạo rõ các đối tượng chở oxy, thuốc men… khi có giấy tờ đăng ký kinh doanh, chứng nhận phù hợp… thì không cần giấy đi đường cá nhân .
Đối với đi khám và lấy thuốc tại các bệnh viện, Công an TP quy định, đi tiêm và tái khám có sổ khám bệnh thì được lưu thông.
Trao đổi thêm bên lề họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc xét nghiệm toàn diện rộng khi xong lần một, tiếp tục quay lại lần hai. Và nếu có chỉ đạo của TP thì vẫn tiếp tục xét nghiệm, cho đến khi bóc tách được F0 ra khỏi cộng động, mở rộng vùng xanh, tiến tới xanh hóa toàn TP.
Để tiếp tục hỗ trợ thêm cho người lao động trong tình hình dịch kéo dài, ngày 25/8, UBND TP có văn bản về việc giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do tác động của dịch.
Theo đó, Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức nhanh chóng thực hiện chi hỗ trợ cho các hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch, hoàn tất trước ngày 30/8; đồng thời rà soát, khẩn trương thẩm định, phê duyệt danh sách đối với các trường hợp phát sinh (nếu có).
Việc tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội trong ngày: 149 người (lũy kế từ ngày 11/7 đến 26/8 là 452 người).
Tiếp nhận đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2 trong ngày: 13 người (lũy kế từ ngày 11/7 đến 26/8: 140 người).
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 66.981/68.434 lao động (đạt tỷ lệ 97,88%), kinh phí hỗ trợ 140.114.800.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 193/193 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 396.400.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm:
Chốt việc chi hỗ trợ đợt 1 (ngày 08/8): 365.794/365.794 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 548.691.000.000 đồng.
Đợt 2: 438.697/1.003.362 lượt lao động (đạt tỷ lệ 43,72%), kinh phí hỗ trợ 658.045.500.000 đồng.
Tổng cộng 2 đợt: 1.206.736.500.000 đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861/5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11.722.000.000 đồng
Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 19.005/19.342 (đạt tỷ lệ 98,26%) kinh phí 29.176.290.000 đồng.
Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ: 1.060.492.875.247 đồng.
Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 133 đơn vị với 29.191 người lao động, kinh phí hỗ trợ 225.015.870.357 đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139/139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 515.690.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 248/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ 920.080.000 đồng.
Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả…: 248.534/1.223.973 hộ (đạt tỷ lệ 20%), kinh phí 372.801.000.000 đồng (từ ngân sách nhà nước: 262.416.000.000 đồng, từ nguồn của Ủy ban MTTQ: 110.385.000.000 đồng).
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.746/53.901 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,7%), kinh phí 58.696.200.000 đồng (từ NSNN: 39.033.000.000 đồng, từ nguồn của Ủy ban MTTQ: 19.663.200.000 đồng).
Thủ tướng: Giãn cách nghiêm, phải tập trung chăm lo cho người dân
Đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đã thực hiện giãn cách thì phải tuyệt đối nghiêm, tận dụng thời gian vàng để khống chế dịch.
Hồ Văn