-Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng nói “Họng súng đẻ ra chính quyền”. Ngày nay, Trung Quốc đang phải trả giá trong lĩnh vực thương mại và toàn cầu hóa cho tư tưởng đó.
>>Van xả áp cho mâu thuẫn Trung - Nhật
Công nghiệp Trung Quốc cần hỗ trợ từ Nhật Bản
Với vị thế là nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới, tại sao Trung Quốc lại phụ thuộc quá nhiều vào hàng hóa Nhật Bản? Rất đơn giản, sự phát triển kinh tế nhanh chóng nhờ xuất khẩu lại phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động nhập khẩu. Khoảng 60%-70% khối lượng hàng hóa Trung Quốc nhập từ Nhật Bản là các loại máy móc và thiết bị dùng cho hoạt động xuất khẩu. Trung Quốc không thể ngăn được xu hướng này hoặc mạo hiểm xung đột với Nhật Bản mà không làm tê liệt nền kinh tế.
Đó chính là lý do tại sao trong suốt giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm vào mùa thu năm ngoái, hải quan Trung Quốc tạm giữ tất cả các hàng hóa nhập từ Nhật Bản, ngoại trừ các thiết bị công nghiệp. Trong suốt nhiều năm qua, Nhật bản là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Một báo cáo của quỹ Tiền tệ Quốc tế trong năm 2012 cho thấy, với mỗi 1% tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nhật Bản cũng tăng 1,2 %. Nếu ngừng nhập khẩu từ Nhật Bản, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụp đổ.
Đơn cử như trường hợp iPhone và iPad, cho dù tập đoàn Apple đã thuê công ty Foxconn của Đài Loan lắp ráp các sản phẩm này tại Trung Quốc, vẫn có rất nhiều linh kiện phải nhập từ Nhật Bản, như thẻ nhớ của Toshiba và màn hình tinh thể lỏng do Sharp chế tạo. Đây có thể coi là một ví dụ điển hình cho sự phụ thuộc kinh tế giữa hai nước, vì hai lý do.
Thứ nhất, khi Trung Quốc dần chuyển dịch sang xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, họ sẽ cần nhập khẩu ngày càng nhiều các linh kiện từ nước ngoài. Vào giữa thập kỉ trước, các linh kiện nhập khẩu chiếm tới 22% giá trị xuất khẩu hàng công nghệ thấp của Trung Quốc. Với các thiết bị xuất khẩu trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, con số này là gần 50%. Đặc biệt, chính cách thiết bị máy bóc và linh kiện điện tử nhập khẩu từ Nhật Bản đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với nền kinh tế Trung Quốc. Các hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sử dụng linh kiện Nhật Bản đã tăng từ con số 22 % trong năm 1992 lên 63% vào năm 2006, và vẫn đang có xu hướng tăng.
Ảnh: China Daily |
Thứ hai, tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc phụ thuộc vào nhiều tập đoàn đa quốc gia, vốn coi Trung Quốc như một phân xưởng của mình. Trong năm 2010, các công ty nước ngoài và liên doanh nước ngoài chiếm tới 25% tổng sản lượng công nghiệp, 39% xuất khẩu dệt may và 99% xuất khẩu máy tính của Trung Quốc. Và các công ty này đều phải dựa vào hoạt động nhập khẩu từ Nhật Bản.
Trung Quốc không thể tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản mà không làm tổn hại tới mạng lưới các công ty đa quốc gia này, vốn là nhân tố tạo đà tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.
Hiện nay, đội ngũ nhân công giá rẻ nhưng có tay nghề cao và hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đã biến Trung Quốc trở thành địa điểm đầu tư sản xuất đầy hấp dẫn. Tuy nhiên nếu vì lý do chính trị, các tập đoàn này hoàn toàn có thể chuyển địa điểm đầu tư sản xuất sang nơi khác.
Nếu tính theo giá trị sản phẩm, một mẫu iPod đời 2005 có giá 299$, thì chỉ có 4$ giá trị của sản phẩm này được chế tạo tại Trung Quốc, và hầu hết là công việc lắp ráp. Công việc này hoàn toàn có thể được chuyển tới nơi khác. Tiền lương tăng và mức độ ô nhiễm ngày càng nặng đã một số tập đoàn điện tử phải chuyển các nhà máy lắp ráp linh kiện tới khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc có thể sẽ không nhận được đầu tư nước ngoài nữa.
Các công ty Nhật Bản biết rõ điều này, đó là lý do tại sao họ không rút khỏi Trung Quốc bất chấp căng thẳng gia tăng. Hiện nay, Nhật Bản vẫn là nước đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc. Theo ông Masaki Yamazaki thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế tại Nhật Bản, nhiều công ty đang cân nhắc về chính sách “Trung Quốc cộng một”. Chính sách này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm một thị trường khác lớn hơn để đầu tư và xuất khẩu, thay vì Trung Quốc.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng “Không có khả năng tất cả các công ty của Nhật Bản sẽ rút khỏi Trung Quốc”. Khi mà các tập đoàn đa quốc gia còn muốn thực hiện các công đoạn lắp ráp tại Trung Quốc, những công ty cung cấp thiết bị của Nhật Bản sẽ còn phải trụ lại nước này. Không chỉ vậy, thị trường trung lưu đang phát triển nhanh tại Trung Quốc là quá hấp dẫn với các công ty Nhật Bản, trong bối cảnh thị trường trong nước đang sụt giảm.
Thực vậy, theo một cuộc khảo được tiến hành bởi Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản sau khi phong trào chống Nhật gia tăng tại Trung Quốc, chỉ có 6% công ty Nhật Bản tại đây có ý định rút khỏi hoặc giảm quy mô sản xuất. Ngược lại, có tới 52% lên kế hoạch tăng sản xuất và 42% cho biết sẽ giữ nguyên quy mô sản xuất và tiếp tục xem xét tình hình. Trong năm 2012, khi mà tổng lượng tiền đầu tư vào Trung Quốc bị sụt giảm 3,7%, đầu tư từ Nhật Bản vẫn tăng 0,6%.
Một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp người Nhật Bản nói rằng, “Các công ty Nhật Bản dự đoán căng thẳng lãnh thổ sẽ còn kéo dài. Một số cho rằng phải chấp nhận thực tế rằng cứ một vài năm sẽ lại nổ ra phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản tại Trung Quốc, thậm chí là các cuộc bạo động”.
Ưu tiên tất cả cho kinh tế
Thế chiến thứ I đã chỉ ra rằng, lợi ích kinh tế không phải lúc nào cũng vượt qua chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn tới chính sách đối ngoại.
Trong hầu hết 3 thập kỉ gần đây, nhận thức rõ được điều này, Trung Quốc đã theo đuổi cái mà lãnh đạo nước này gọi là “trỗi dậy hòa bình”. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã chuyển qua thái độ ngày càng quyết đoán với một số quốc gia châu Á.
Một số nhà quan sát cho rằng những phản ứng mới từ Trung Quốc là để đối phó với những biến cố chính trị và khủng hoảng kinh tế tại châu Âu. Chính thực trạng này đã khiến Bắc Kinh hoài nghi về vị thế siêu cường của Mỹ và tự đề cao sức mạnh của mình. Theo ông Kiyoyuki Seguchi, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu toàn cầu Canon, dù lý do nào đi nữa thì phương pháp tiếp cận này bị nhiều doanh nhân và thậm chí một bộ phận trong giới quân sự Trung Quốc coi là tầm thường và thậm chí thất sách.
Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng nói “Họng súng đẻ ra chính quyền”. Tuy nhiên ngày nay, Trung Quốc đang phải trả giá trong lĩnh vực thương mại và toàn cầu hóa cho tư tưởng đó. Cho dù chính quyền Bắc Kinh ngày càng kiên định với lập trường cứng rắn của mình, nhiều quan chức đã bắt đầu nhận ra hệ quả của chính sách này lên nền kinh tế quốc nội. Một bài báo đăng trên Nhật báo Trung Hoa tháng 8 năm ngoái có viết rằng, “Chính sách tẩy chay hàng hóa Nhật Bản dựa trên cảm tính sẽ gây tổn hại cho nền công nghiệp và xuất khẩu, đồng thời làm tăng tỉ lệ thất nghiệp”.
... Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang có những động thái khiến thế giới không thể dự đoán được liệu căng thẳng sẽ leo thang hay lắng dịu. Nhật Bản nhận định rằng những động thái đó bắt nguồn từ sự bất đồng chính sách. Mặc dù một số quan chức tại cả hai nước tìm cách ổn định tình hình và dần giảm bớt xung đột, song các xung đột bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra.Tuy nhiên ít nhất chúng ta vẫn có lý do để hi vọng, đó là tiền bạc. Mặc dù tiền bạc được cho là nguồn gốc của mọi tội ác, nó cũng là rào cản cuối cùng giúp cân bằng các lực lượng trong mỗi quốc gia, giúp ngăn cản chiến tranh và xếp lại các xung đột lãnh thổ đứng sau lợi ích kinh tế.
Lê Minh Đức (Theo Foreign Affairs)