Theo đó, tỉnh Trà Vinh triển khai lựa chọn, thực hiện thí điểm mô hình xã/ấp nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội của địa phương.
Tỉnh này đặt mục tiêu năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số. Ít nhất 30% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 25% hồ sơ công việc cấp huyện và 20% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, có 35% cán bộ công chức, viên chức các cấp thực hiện Chương trình này được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số; 15% đơn vị cấp huyện, xã cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu ứng dụng chuyển đổi số.
Trà Vinh khẳng định đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, hướng tới phát triển những vùng nông thôn thông minh.
Bên cạnh công tác tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số, Trà Vinh cũng đang xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, đặc biệt là trong quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự.
Tỉnh sẽ thiết lập trang thông tin điện tử riêng của xã, tăng cường sử dụng công nghệ số trong công việc, giao tiếp, tương tác với người dân thông qua các công cụ công nghệ số như sử dụng loa truyền thanh thông minh không dây, thiết lập kênh giao tiếp qua Zalo, Facebook, group mail…
Đồng thời, tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.