Xen kẽ nhiều giải pháp 

Huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) có tổng diện tích tự nhiên trên 74.670 ha, trong đó, diện tích có rừng trên 45.779 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 61,3%. 73% rừng ở huyện Trạm Tấu được phân loại là rừng phòng hộ. Bảo tồn và quản lý bền vững khu rừng ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn như lở đất và lũ lụt.

Trong khi đó, người dân sinh sống tại Trạm Tấu chủ yếu là đồng bào Mông chiếm tới hơn 70%, còn lại là các dân tộc khác như Thái, Tày, Mường, Nùng, Dao, Cao Lan, Khơ Mú, Phù Lá và Bố Y. Tất cả các nhóm đều sống phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng và đất để bảo đảm sinh kế. Các biện pháp quản lý đất phổ biến bao gồm du canh, canh tác lúa và ngô, chăn thả rông, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, săn bắn và làm vườn. Nghèo đói và tỷ lệ người đồng bào thiểu số cao được coi là nguyên nhân cơ bản của nạn phá rừng và suy thoái rừng ở Trạm Tấu. 

Từ nhiều năm nay, huyện Trạm Tấu đã thực hiện xen kẽ nhiều giải pháp bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm như cung cấp dịch vụ công cộng phi lợi nhuận (rừng phòng hộ, thực hiện các chương trình của chính phủ và hỗ trợ cộng đồng), đồng thời hoạt động theo hướng thương mại đối với các diện tích rừng trồng lấy gỗ và sản xuất nhựa cây, phát triển du lịch cộng đồng.

tam tau.png
Trạm Tấu bảo vệ rừng xanh gắn với phát triển du lịch mạo hiểm.

Lấy tuyên truyền làm nòng cốt, Ban quản lý Rừng phòng hộ Trạm Tấu tham mưu cho UBND huyện xây dựng các chương trình truyền thông cộng đồng về giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, thành lập các tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Các tổ này tham gia trực tiếp vào công tác bảo vệ, phát triển và ngăn chặn tình trạng xâm phạm rừng. Các hoạt động tuần tra, giám sát an ninh rừng ngăn chặn và phát hiện sớm các hành khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang. Các tổ cộng đồng này còn có nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hàng năm, tại các thôn bản trong huyện đều tiến hành các buổi họp thôn tuyên truyền và vận động người dân sinh sống tại đây phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, nâng cao tinh thần tố giác tội phạm đa dạng sinh học. 

Từ năm 2017, các hộ gia đình có thể tham gia Chương trình Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng thông qua Ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu. Các hộ gia đình nhận được trung bình 300 USD mỗi năm. Hiện toàn huyện có 6.243 hộ gia đình tham gia ký cam kết cùng Nhà nước chung tay bảo vệ rừng. Đến nay, số lượng các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm kể. Công tác thực thi pháp luật về phòng, chống tội phạm đa dạng sinh học hoạt động ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, việc quản lý, bảo vệ rừng đang trở nên tốt hơn qua các năm. 

Phát triển du lịch trên rừng xanh 

Tại xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, đồng bào Mông tại đây được hưởng lợi rất nhiều từ công tác bảo vệ rừng. Anh Phàng A Xay trú tại bản Tà Xùa chia sẻ, hàng năm gia đình anh được trả tiền từ dịch vụ bảo vệ rừng khoảng hơn 17 triệu đồng. Khoảng 5 năm trở lại đây, khách du lịch đến với Trạm Tấu ngày càng tăng. Nhờ số tiền đó, anh mua thêm gia súc, gia cầm. Số vật nuôi trên lại được phục vụ cho khác du lịch.

Anh Giàng A Thanh – Bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu chia sẻ, trước đây gia đình anh chỉ làm nông với ít ruộng bậc thang trồng lúa, ngô. Từ nhiều năm nay anh bắt đầu trở thành porter cho du lịch leo núi. Du khách tìm tới núi Tà Xùa để trải nghiệm du lịch mạo hiểm ngày càng tăng. Anh Thanh cùng nhiều anh em trong bản có việc làm. 

Công việc porter mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định. Vào các tháng cuối năm cao điểm mùa leo núi, hầu như ngày nào anh Thanh cũng dẫn khách. Đưa khách len lỏi sâu vào rừng xanh anh Thanh càng trân trọng thêm giá trị của rừng, của bảo tồn đa dạng sinh học. Thiên nhiên ban cho Bản Công một Tà Xùa rêu phong, mộng mị cũng là nơi tạo sinh kế cho nhiều đồng bào Mông.  

Theo UBND tỉnh Yên Bái, Đề án "Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Trạm Tấu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đã ưu tiên phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Các hoạt động du lịch như leo núi kết hợp săn mây, trekking, backpacking, cắm trại, đi bộ đường dài, đi bộ băng rừng, leo núi bằng dây, tham quan thám hiểm bằng đường mòn… UBND huyện Trạm Tấu đã xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái từ rừng gỗ Pơ mu, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch với bảo tồn thiên nhiên.  Rừng gỗ Pơ mu tại Trạm Tấu có diện tích khoảng 40ha nằm ở đầu nguồn suối Thia.

Nhờ các giải pháp trên, người dân Trạm Tấu đã trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ rừng, giảm các hoạt động vi phạm đa dạng sinh học trên địa bàn.


 

Phương Thúy và nhóm PV, BTV