Muốn công cuộc đổi mới thành công thì không thể không xuất phát từ cái… lỗ hổng chết người này.

Sau khi “Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” được Quốc hội thông qua, đến nay Bộ GD & ĐT bắt tay vào triển khai hai “trận đánh nhỏ” nhằm tạo đà cho “trận đánh lớn”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nói hai “trận đánh” mở màn của Bộ đã bị... kẹt đạn ngay ở những loạt bắn đầu tiên. Cần tìm cách gỡ để sao cho trận đánh thành công như mong đợi của người dân.

Trận đánh nhỏ hay lớn

Trước hết, việc Bộ GD đưa ra quan điểm xem “đổi mới thi cử là khâu đột phá” lần này, nhất là đổi mới GD phổ thông là dấu hiệu đáng mừng. Nhưng đáng tiếc, quan điểm này chưa hẳn đúng về phương pháp trong nhận thức lẫn tiếp cận vấn đề.

Thứ nhất, trong hoạt động dạy học có 03 nhân tố quan trọng: Thầy giáo (bao gồm cả người thầy trực tiếp giảng dạy và người thầy làm công tác quản lý); SGK, giáo trình, thư viện và phương pháp dạy học (kỹ thuật, kỹ năng dạy học - phương pháp có tính cơ học và phương pháp tư duy).

{keywords}
Ảnh minh họa: Văn Chung

Nhìn lại nền GD của ta hiện nay có thể thấy, 03 nhân tố trên đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Cho nên, lẽ ra trước tiên Bộ phải xuất phát từ điểm mấu chốt này chứ không phải từ khâu“đổi mới tổ chức thi cử”. Dẫu biết rằng việc tổ chức thi như thế nào cho phù hợp là điều cũng rất đáng bàn nhưng nếu cho đây là “khâu đột phá quan trọng” nhằm “đổi mới căn bản và toàn diện nền GD” thì rất không thuyết phục. Đổi mới thi cử thực ra chỉ là phần ngọn, phần phụ của vấn đề này mà thôi.

Thứ hai, lập luận việc cải tiến thi cử sẽ tạo điều kiện cho thầy và trò ở phổ thông thay đổi cách dạy và học; khắc phục việc “dạy học truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển kỹ năng cho các em học sinh”. Vấn đề này mới nghe qua  thấy rất hay, rất đúng nhưng ngẫm nghĩ lại thì không hẳn vậy.

Nên nhớ rằng năng lực tư duy, nhận thức, nhân cách, kỹ năng... của học sinh chỉ hình thành và phát triển một cách tiệm tiến qua từng cấp học trong suốt quá trình GD và quan trọng hơn, phụ thuộc rất nhiều vào nội dung chương trình học được thiết kế và biên soạn trong SGK chứ không phải qua một, hai kỳ thi.

Cách dạy và cách học của thầy và trò cũng vậy, phần lớn phụ thuộc vào quan điểm và mục tiêu GD; phụ thuộc vào quan điểm trong việc thiết kế nội dung và chương trình của từng môn học, bài học. Phụ thuộc vào điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện dạy học hơn là chịu sự tác động của việc thay đổi cấu trúc đề thi. Bởi lẽ thi cử là chuyện diễn ra sau quá trình dạy và học. Người ta dạy và học rồi mới thi chứ không ai thi rồi mới quay lại để dạy và học.

Thứ ba, giả sử nếu buộc phải xem việc đổi mới thi cử là “khâu đột phá” thì nhận thức và cách làm hiện nay chưa ổn, nhất là chưa bao quát hết thực tế chuyện thi cử. Các học sinh hiện nay, ngoài kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH thì còn 02 kỳ thi khác trong năm học. Chưa kể đến những bài kiểm tra…

Thế nên, lẽ ra cải tiến thi cử nên bắt đầu từ việc quan tâm cải tiến đổi mới các kỳ thi trong suốt quá trình học phổ thông. Thử hình dung các em học sinh vừa thi xong học kỳ 02 ở lớp 12, lập tức phải lao vào thi tốt nghiệp và sau đó là thi ĐH. Nên dù ở đây có giảm bớt môn thi (như cách làm hiện nay của Bộ), thay đổi cấu trúc đề thi (trường hợp môn ngữ văn) đi nữa, áp lực thi cử với học sinh vẫn còn đó. Tâm lý dạy và học để đối phó với kỳ thi tốt nghiệp của thầy và trò ở phổ thông vẫn còn đó.

Chưa rõ ràng trong nhận thức  

Có lẽ không phải nói nhiều về chuyện bị... kẹt đạn ở “trận đánh nhỏ” thứ hai này của Bộ GD. Qua tìm hiểu, cá nhân tôi thấy sở dĩ “trận đánh nhỏ” này bị kẹt đạn, bị dư luận phản ứng là vì có sự lấn cấn trong nhận thức của những người phụ trách ở hai khâu quan trọng sau:

Xem bài cùng tác giả

Tìm nguyên nhân tính xấu của người Việt

Đi tìm phanh hãm lòng tham

Thứ nhất, có cảm giác những người phụ trách khâu này chưa có sự minh định rõ ràng trong nhận thức giữa hai vấn đề, đổi mới chương trình khung trong SGK phổ thông với vấn đề cụ thể hóa cái khung chương trình ấy, tức là khâu biên soạn và viết sách. Trong hai khâu này, khâu đổi mới khung chương trình là khâu quyết định và quan trọng nhất. Bởi lẽ, phải làm sao xây dựng được cái khung chương trình SGK phổ thông theo tinh thần đổi mới nhằm đáp ứng và cụ thể hóa cái mục tiêu GD chung của đề án đặt ra là cực kỳ khó. Và càng khó hơn nữa là phải làm sao đảm bảo tuyệt đối mục tiêu“định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”.

Cho nên, nếu nhận thức rõ ràng vấn đề này thì có thể thấy khâu viết SGK mới trên cơ sở chương trình khung đã thống nhất thực ra không tốn nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Nói như TS Giáp Văn Dương: “Tôi chưa từng thấy một đề án đầu tư nào có số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mà sơ sài như thế”[1]. Cái “sơ sài” ở đây không chỉ là “sơ sài” trong minh giải các khoản chi mà quan trọng hơn là “sơ sài” trong nhận thức về một vấn đề lớn và cực kỳ quan trọng.

Thứ hai, như nhiều học giả đã nói, vấn đề đổi mới GD tuy tiền là cần nhưng không phải có nhiều tiền là công cuộc đổi mới sẽ thành công. Điều này hoàn toàn đúng nếu nhìn trong điều kiện và hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay. Nói như GS Nguyễn Ngọc Lanh thì: “...cái đề án hoành tráng lại không phải do “người ngoài” đề nghị - rõ ràng là không phù hợp với cách chi tiền của người nghèo. Liệu tác giả đề án có khi nào tự ý thức được mình nghèo?”[2].

Thế mới nói, lỗ hổng của GD nước ta hiện nay thực chất là cái lỗ hổng về vấn đề con người. Con người trong điều hành quản lý ở tầm vĩ mô lẫn vi mô. Con người trực tiếp đứng trên bục giảng đảm nhận trách nhiệm “trồng người” phần nhiều đều đang gặp sự cố, đang bị “trục trặc”, bị đặt nhầm chỗ. Vì thế, muốn công cuộc đổi mới căn bản toàn diện nền GD nước nhà thành công thì không thể không xuất phát từ cái… lỗ hổng chết người này.

Từ các phân tích trên, có thể thấy rất rõ, là trận đánh nhỏ thứ nhất mang tên “lấy thi cử làm khâu đột phá” vừa qua không những làm cho Bộ lúng túng mà mấy chục triệu học sinh cũng  hoang mang. GV và phụ huynh thì chờ đợi (đặc biệt ở môn ngữ văn). Còn ở trận đánh nhỏ thứ hai - “đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015” thì khỏi phải nói, dư luận tuần qua đang bị “sốc toàn tập”, đúng như tiêu đề trên trang nhất báo Tuổi trẻ ngày 15/4/2014.

[1] Xem bài “Với GD, không phải có tiền là có kết quả” trên  http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/170944/voi-giao-duc--khong-phai-co-tien-la-co-ket-qua.html

[2]: Xem bài “Bộ GD đừng biến thành nhà thầu” trên http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/171088/bo-giao-duc-dung-bien-thanh-nha-thau.html