Sau  khi đọc các bài ‘trần lãi suất 14%: Công cụ của trò chơi thanh khoản’,  ‘Trò chơi thanh khoản: Lộ diện nhóm lợi ích ngân hàng’, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

Hãy chia bớt lợi nhuận ‘khủng’ mà ngân hàng kiếm được!

Email chinhpq2003@yahoo.com viết: “Bài rất hay và đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp. Lâu nay tôi chờ đợi (và bây giờ đã có) những phản biện và đánh giá như thế này, không thể vì lợi ích nhóm mà làm ảnh hưởng, trì trệ và đẩy lùi sự phát triển của đất nước, dẫn tới nhiều doanh nghiệp phá sản.”

Theo cách hiểu của email khachvanglai@yahoo.com thì: “ Trò chơi thanh khoản ở đây như sau: Ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản thì phải tăng lãi suất gửi kích thích dân gửi tiền dẫn đến tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên không ai dám vay vì không trả nổi lãi suất cho ngân hàng và ngân hàng làm ăn thua lỗ, dẫn đến thiếu thanh khoản. Lúc này để duy trì không bị phá sản họ phải vay các ngân hàng lớn kèm theo các điều khoản. Càng kéo dài trò chơi thì khả năng các ngân hàng nhỏ thua lỗ càng cao vì nền kinh tế đang khó khăn. Cuối cùng các điều khoản sẽ xuất hiện là việc các ngân hàng nhỏ bị sáp nhập nhưng thực chất là bị các ngân hàng lớn thâu tóm.

Ai cũng hiểu ngân hàng là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, và chính các ngân hàng lớn là người hưởng lợi lớn nhất.

Câu hỏi của email hongtien1957@yahoo.com.vn: “Tại sao không quy định trần lãi suất đầu ra (cho vay) mà lại quy định trần lãi suất huy động? Thực tế huy động ở 14% năm thì với mức độ lạm phát hiện nay người gửi không hề bảo toàn vốn chứ chưa nói gì tới lãi, điều đó hầu như ai cũng biết. Vốn ngân hàng huy động được chủ yếu từ những món tiền nhỏ không đủ để cho người gửi đầu tư vào các lĩnh vực khác, còn với món tiền lớn thì người gửi chỉ gửi ngắn hạn nên việc thanh khoản luôn bị động dẫn tới lãi suất liên ngân hàng luôn cao là vì thế. Nếu quy định trần lãi suất cho vay, ngân hàng nhỏ có cơ để tồn tại vì họ huy động vốn cao  thì hưởng lợi % ít đi, dẫn tới có thể có cuộc đua lãi suất huy động đem lại thực lợi cho người gửi tiền. Hãy chia bớt lợi nhuận ‘khủng’ mà ngân hàng kiếm được cho người gửi để họ có thực lãi.”

Đây là phân tích của email quangvinhemico@gmail.com: “Bản chất ngân hàng thu lợi từ chênh lệch giữa  lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Doanh nghiệp vay vốn sản xuất mong giảm lãi suất cho vay. Người có tiền gửi ngân hàng mong muốn có lãi suất huy động cao để bảo toàn giá trị vốn. Sự canh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng phải là giảm chi phí , tăng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Nhưng thống đốc NHNN quy định trần lãi suất huy động mà không giới hạn lãi suất cho vay. Cách làm này làm ngân hàng khó huy động vốn, vốn cho vay thiếu và dẫn đến tăng lãi suất cho vay, chỉ có lợi cho một nhóm ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng tiếp cận được vốn nhà nước, có hại cho các ngân hàng nhỏ, có hại cho người gửi tiền tiết kiệm và doanh nghiệp vay vốn sản xuất. Với chính sách này, việc ‘xé rào’ sẽ tiếp diễn vì sự sinh tồn, có hại cho nền kinh tế nước nhà.”

Email vuonganhminh@gmail.com phụ họa: “Đúng vậy. Bộ máy điều hành vĩ mô mà chỉ quan tâm tới lợi ích của 1 nhóm mà không quan tâm tới lợi ích tổng thể cho cả cộng đồng, xã hội là sai lầm. Các NH phải biết tự điều hành quản lý hiệu quả trong 1 môi trường cạnh tranh lành mạnh (như vậy mới đúng nghĩa thị trường) chứ chỉ vin vào cơ chế, chính sách để sinh lời cho riêng bản thân thì các NH thật ‘thiếu đức’ với sự phát triển xã hội Việt Nam. Nói chung cần phải tìm được biện pháp hài hòa lợi ích các bên mà vẫn đảm bảo sự phát triển sản xuất, cân bằng xã hội.”

Email cv@yahoo.com ‘hùa’ theo: “Mấy ông Chủ tịch hội đồng quản trị mấy ngân hàng lớn bắt tay nhau tác động đến bộ sậu của ông Thống đốc để có lợi cho nhóm mình. Còn doanh nghiệp với xã hội, nhân dân thì cứ… chờ đấy.”

Bạn đọc xưng là nhân viên HDBank (email haisaigon12@gmail.com) phản ánh: “Chúng tôi chỉ là nhân viên bình thường của HDBank tại Hội sở.  Chúng tôi cảm thấy rất thất vọng và bất bình trước cách bao che cho cán bộ vi phạm pháp luật của Hội đồng quản trị HDBank. Việc ông T. bị Ngân hàng nhà nước (NHNN) xử lý rành rành ra đấy, nhưng hàng ngày từ tháng 10/2011 tới giờ, chúng tôi vẫn thấy xe hơi đưa đón ông T. đi làm tại ngân hàng, chưa kể những chi phí khác cho ông T. mà HDBank phải thanh toán mỗi tháng bao gồm lương bổng và thưởng năm 2011. Ngoài ra, website của HDBank cho đến 11h sáng ngày 08/02/2012 vẫn còn đăng tải hình ảnh và thông tin vị trí đảm nhiệm của ông T.”

Rất mong Thanh tra Ngân hàng nhà nước quan tâm đến việc này!”
(ảnh minh họa)

“Lo làm giàu cho cá nhân mà đẩy đất nước và người lao động chân chính vào con đường cùng! Chính phủ phải có cơ chế hợp lý hơn mới được, tạo cơ hội cho người có tâm và tài đứng ra gánh vác việc công thì mới mong phát triển và ổn định xã hội”, đó là ý kiến của email phanvanbinh@gmail.com.

Email nguyentienlong1974@gmail.com lo ngại: “Trong cùng một môi trường kinh doanh nhưng các DN thì rơi vào tình trạng sống dở chết dở còn các NHTM lại thi nhau công bố lãi hàng ngàn tỷ đồng, vậy mà NHNN vẫn chưa có một động thái cụ thể nào và đặc biệt cũng không đưa ra được một lộ trình cụ thể nào về vấn đề giảm lãi suất, phát ngôn mỗi lúc một khác nhau. Không hiểu các doanh nghiệp rồi đây sẽ ra sao? Còn vấn đề thanh khoản của NH là cũ rích rồi, không phải bây giờ mới có đâu!”

Biện pháp hành chính chỉ khiến NHTM…lách luật tinh vi?

Email trieungoclieu3@gmail.com phân tích: “Thật là khó để phân định nên tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường hay tiếp tục nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp khi ấn định khung tối đa lãi suất tiền gửi 14%/năm trong khi lạm phát > 18%? Nếu theo quy luật của thị trường thì Ngân hàng thương mại phải tự xác định mức lãi suất hợp lý để cho vay và nhận gửi. Chắc ngân hàng cũng không thể trả lãi suất tiền gửi lên mức chỉ để huy động một đống tiền để đó cho ‘mối xông’ khi không ai vay với lãi suất mà người vay không  chịu đựng được cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Làm sao bắt ngân hàng hạ lãi suất cho vay khi cung tiền thấp hơn cầu quá lớn? Thật buồn cười khi áp dụng quyết định hành chính để điều chỉnh những những cái không thuộc quyền kiểm soát của mình. Đằng sau các quyết định hành chính sẽ vẫn tồn tại các hoạt động ngầm của cung cầu theo quy luật mà bộ máy hành chính có đồ sộ đến mấy cũng thể quản lý được.”

Nỗi khổ của doanh nghiệp (DN) mà email ahr.sales@gmail.com dẫn chứng cụ thể: “Thực tại chẳng ai vay ngân hàng với lãi suất trên 18%/năm để đầu tư cả. Nhưng bởi do hợp đồng tín dụng phải ký kết với ngân hàng lãi suất thả nổi, các doanh nghiệp đang sống dở chết dở vì kinh doanh nhưng không biết tháng tới, năm tới sẽ phải trả chi phí vốn theo lãi suất bao nhiêu %? Ngân hàng báo tăng thì phải chấp nhận tăng, giảm xuống thì được nhờ. Một số ngân hàng chơi ‘chiêu’ là theo hợp đồng tín dụng, điều khoản thời gian thay đổi lãi suất cho vay vào 1 ngày cố định hằng tháng (28 hằng tháng ví dụ), lãi suất cho vay đang 20%, gần đến ngày 28 doanh nghiệp nhận thông báo tăng lãi suất lên 22%, sau ngày 28 lại nhận thông báo lãi suất hạ xuống 20%. Tuy nhiên lãi suất vay trong tháng doanh nghiệp sản xuất phải trả 22%. Một trò thiếu chuyên nghiệp mà 1 ngân hàng lớn nhì, ba Việt Nam áp dụng với khách hàng.  Có ai dám đầu tư trong môi trường tài chính như vậy không?”

Trăn trở của email namphamhoai@rocketmai.com: “Không biết Thống đốc NHNN có đọc những bài báo này không? Doanh nghiệp chịu hết nổi với các khoản lỡ vay của ngân hàng rồi. Doanh nghiệp chúng tôi lương bình quân cho 100 cán bộ, công nhân viên chỉ khoảng 3 triệu đồng hàng tháng mà còn lỗ. Còn có ngân hàng vốn nhà nước lãi hàng ngàn tỷ đồng và lương bình quân trên 20 triệu đồng. Gánh nặng trung gian cho các ngành sản xuất là quá lớn. Đề nghị phải có văn hóa lương thưởng trong ngành ngân hàng. Thống đốc nói không có lợi ích nhóm nhưng hiện nay các động thái NHNN thì chẳng thấy gì cả, Doanh nghiệp đã mệt mỏi quá rồi.”

Không tán đồng, email ducthinhnguyenvsm@yahoo.com.vn nêu ý kiến: “Vấn đề hiện nay là không thể giảm lãi suất vì thanh khoản của rất nhiều ngân hàng nhỏ đang ở mức nguy hiểm, Vậy nếu  bạn là Thống đốc NH bạn sẽ làm gì? Quyết định giảm lãi suất, cho một số ngân hàng nhỏ phá sản, hy sinh mục tiêu ổn định chính trị- xã hội…, hay từ từ tìm cách sáp nhập, cải tổ các ngân hàng nhỏ,  bảo đảm thanh khoản ...rồi bắt đầu giảm lãi suất?”

Đến lượt email doduyminh2003@yahoo.com: “Căn bệnh thanh khoản của ngân hàng đã có mầm bệnh từ 20 năm trước. Đến bây giờ bệnh phát quá nặng, rất khó trị.”

Theo email hungquoctruong@gmail.com thì: “Thanh khoản phụ thuộc vào 2 yếu tố: Cung cầu tiền vốn. Cầu cao thì thanh khoản chắc chắn sẽ kém, lãi suất sẽ cao. Đó là qui luật thị trường. Ai cũng muốn vay thì làm sao lãi suất thấp được trừ phi in thêm tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán. Làm điều đó sẽ làm giảm giá trị đồng tiền, lạm phát là tất yếu nếu không có dự trữ ngoại tệ đủ sức cân bằng, trong khi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thì quá mỏng.”

Email nmoclan@yahoo.com nêu thực trạng: “Trên thương trường ‘cá lớn nuốt cá bé’ là chuyện bình thường. 1 số NH nhỏ để thanh khoản thiếu hụt trầm trọng thì bị thôn tính không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên kẻ thôn tính là ai? Đây là cuộc chơi giữa các cá nhân với nhau hay giữa nhà nước và tư nhân?

Hiện nay các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) về danh nghĩa đều thuộc cá nhân. Vậy có thực sự là có NH TMCP mạnh đến mức có thể đủ tiền để mua lại các NH trên bờ phá sản kia không? Hay danh nghĩa cá nhân nhưng họ đều phải nhờ tiền của nhà nước để thực hiện trò chơi này? Nhà nước đương nhiên có quyền và cần phải tham gia cuộc chơi, nhưng không rõ chơi rồi thì nhà nước sẽ phải bỏ ra những gì và được lợi những gì, các cá nhân cùng chơi phải bỏ ra những gì và gặt hái những gì?

Tái cấu trúc NH đã được nhắc đến nhiều trong gần 1 năm qua, đã đến lúc NHNN, theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình, cho ra những văn bản pháp lý cụ thể về lộ trình, phương pháp và chế tài liên quan đến sự tái cấu trúc để đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt, minh bạch, đảm bảo lợi ích quốc gia mà NHNN được giao đại diện.”

Email hoangvan3a03@yahoo.com mong mỏi: “Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần xem lại các biện pháp điều tiết thị trường tài chính. Mọi biện pháp hành chính chỉ khiến cho các ngân hàng lách luật bằng cách tinh vi hơn thôi. Hiện nay, tôi đã chứng kiến khá nhiều ngân hàng ‘phá’ trần lãi suất huy động 14% rồi. Chẳng biết Ngân hàng nhà nước có kiểm soát nổi không?

Ban Bạn đọc