- “Phải cố gượng dậy để tự lo cái đã. Cuộc sống ngày mai thì không biết phải như thế nào. Toàn bộ quán nhỏ là cuộc sống của cả gia đình 5 con người bay mất hết trơn rồi...” - một người dân nói sau khi cơn bão đi qua.

Trắng tay sau bão Nari

Sau khi cơn bão số 11 đã qua, đi dọc những xóm làng ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam mới cảm nhận rõ sự xác xơ, tan hoang.

{keywords}
Nhiều cây xanh ở Đà Nẵng bị đổ, nghiêng

Đi tránh bão trở về, ông Nguyễn Văn Nam (nhà ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nhìn nhà cửa cây cối đổ ngổn ngang, chỉ biết thở dài bảo, lần đầu tiên trong đời ông chứng kiến cơn bão mạnh và tàn phá khốc liệt đến vậy.

Vợ chồng ông đang cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại để che tạm làm nơi ở.

“Phải cố gượng dậy để tự lo cái đã. Chỗ ở thì không lo lắm nhưng cuộc sống ngày mai thì không biết phải như thế nào. Toàn bộ quán nhỏ là cuộc sống của cả gia đình 5 con người bay mất hết trơn rồi...” - ông Nam thẫn thờ nói.

Cũng như ông Nam, nhiều hộ kinh doanh buôn bán nhỏ ở các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà... đã bị cơn bão tàn phá. Cuộc sống mưu sinh của họ đều phải dựa vào những quán nhỏ này.

Ông Hồ Tấn Đắc (nhà ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bảo ông đã từng chứng kiến nhiều cơn bão dữ tràn qua Đà Nẵng. Ngay như cơn bão Xangsane hồi năm 2006 chỉ tràn qua khoảng hơn 1 giờ đồng hồ khiến hàng nghìn ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái.

Cơn bão số 11 này gió mạnh kéo dài từ giữa đêm đến tận 12 giờ trưa hôm sau khiến cây xanh không thể chịu đựng nổi phải ngã đổ la liệt.

Tuy nhiên, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng bảo mừng nhất là Đà Nẵng không có người thiệt mạng trong bão vì chính quyền địa phương và bà con đã di chuyển đến nơi an toàn.

{keywords}
Hoang tàn sau bão

Đó là thành công nhất của chính quyền Đà Nẵng trong công tác phòng chống bão vừa qua.

"Thiệt hại nặng nhất là nhà cửa và hệ thống cây xanh. Để có được các cây xanh như vậy phải mất hàng chục năm" - ông Viết nói.

Thống kê ban đầu về thiệt hại, Đà Nẵng không có người chết, chỉ có 11 người bị thương. Hơn 147 nhà sập; nhà tốc mái hoàn toàn 1.121 nhà; nhà tốc mái một phần: 3.301 nhà; 100 phòng học bị tốc mái hoàn toàn; 1.500ha rừng trồng bị gãy đổ; hơn 40.000 cây xanh đường phố bị gãy đổ, trốc gốc…

Ước tính, thiệt hại do bão số 11 gây ra là 868,8 tỷ đồng.

Nước mắt sau bão dữ

Sau bão, Quảng Nam cũng bị thiệt hại nặng nề, cảnh tượng hoang tàn không kém Đà Nẵng.

Nhà đổ, cây cối ngổn ngang là hình ảnh hiển hiện trước mắt. Từ trong cảnh hoang tàn đổ nát ấy là những tiếng khóc nghẹn không thành lời của những người phút chốc thành vô gia cư.

{keywords}
Nhà bà Đinh Thị Năm bị sập trong bão dữ.

Nhà bà Đinh Thị Năm (50 tuổi, thôn Hà My Đông B, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) nằm sát biển. Bà vẫn còn kinh hoàng nhớ lại giây phút kịp thoát thân trước khi tường nhà đổ sập sáng 15/10 khi cơn bão tràn qua.

“Gió mạnh giật liên hồi, thấy nhà rung chuyển, tui bỏ chạy ra ngoài và sau đó nó sập tường. Nếu không kịp chắc chừ con cháu làm đám rồi...” - bà Năm kể.

Mừng vì thoát chết nhưng bà Năm lại nghẹn ngào khi nhà bị đổ sập. Bà đang cố nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong đống đổ nát.

Nhiều người dân như bà Năm đang ở trong cảnh nhà cửa, ruộng vườn tan hoang sau bão, không biết sẽ sống như thế nào trong những ngày tới.

Rời vùng ven biển Điện Bàn, chúng tôi tìm về xã Điện Phương, nơi ông Trương Chạy (84 tuổi) bị nhà sập đè chết vào sáng 15/10.

Anh Phương (cháu của ông Chạy) kể, do lo sợ nhà xưởng không ai trông coi nên ông Chạy ở lại. Không ngờ cơn bão tràn qua cuốn sập khiến ông tử nạn.

Còn chị Lê Thị Lâm, người thân của anh Phạm Văn Quy (SN 1981) kể trong nước mắt:

“Chiều 14/10, anh Quy lo sợ nhà bị gió bão tốc mái nên leo lên mái thì bị ngã chấn thương. Cả nhà đưa đi cấp cứu nhưng do bị chấn thương sọ não nặng nên không qua khỏi vào ngay sáng 15/10”.

Đến sáng hôm nay (16/10), người thân vẫn chưa tìm được xác.

{keywords}
Một nhà dân bị bão cuốn tan hoang tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam.



Đi qua những làng quê xơ xác nơi tâm bão Nari quét qua, từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, đến đâu cũng nghe tiếng khóc nghẹn không thành lời của thân nhân người thiệt mạng, người bị thương, người bị sập nhà, tài sản ruộng vườn hư hỏng nặng.

Nhiều người dân nói rằng, cơn bão số 11 này giống như trận B52 chà xát những năm chiến tranh.

Ngay giữa vùng tâm bão, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã động viên người dân: "Còn người là còn của. Sau bão chính quyền và bà con nhân dân sẽ gượng dậy để khắc phục, dù là muôn vàn khó khăn...".

Kiên quyết không được để dân đói đau sau bão

Ngày 16/10, đoàn công tác kiểm tra khắc phục bão lũ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Tại Quảng Nam, bão số 11 đã làm hơn 3.500 ngôi nhà và nhiều trụ sở cơ quan bị xiêu vẹo, tốc mái và hư hỏng; trên 650 hecta chuối bị ngã đổ hoàn toàn; hơn 50 hecta rau màu các loại bị hư hại và trên 6.000 gia cầm bị chết; hơn 1.000 hecta cây lâm nghiệp bị đổ gãy…

Sau khi thị sát tình hình, Phó Thủ tướng đã thăm và tặng quà động viên cho những hộ bị thiệt hại nặng, hộ gia đình chính sách để sớm khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị với chính quyền các địa phương, nhất định không để dân đói, dân ốm, bệnh tật, phải đảm bảo môi trường để hoạt động xã hội được bình thường.

"Gạo, thuốc chữa bệnh cho người dân phải được ưu tiên hàng đầu. Phải đảm bảo an toàn vệ sinh để không bùng phát dịch bệnh, đảm bảo trường học cho các cháu học sinh tiếp tục được đi học. Trung ương sẵn sàng hỗ trợ ngay về vấn đề này" - ông Phúc nói.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần chú ý đến các công trình thủy điện, cần có phương án phù hợp để đảm bảo việc điều tiết hồ chứa hợp lý, không được để gây ngập nơi vùng hạ lưu.

Vũ Trung