Ngày 30/6, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT), đã tổ chức Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử 6 tháng đầu năm 2022.
Một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua ở lĩnh vực thông tin điện tử, đó chính là tình trạng “báo hoá” các trang tin điện tử tổng hợp.
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, tính đến tháng 6 năm 2022, cả nước có 1895 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép (còn hiệu lực).
Ông Lưu Đình Phúc thông tin, qua thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cho thấy vấn đề nổi cộm nhất vẫn là tình trạng báo hóa trang tin điện tử tổng hợp. Đây là một vấn đề nhức nhối và cơ quan chức năng đã liên tục phải chấn chỉnh trong thời gian qua.
Theo đó, Cục Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã mời các đơn vị quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp có các dấu hiệu “báo hóa” đến làm việc, chấn chỉnh, yêu cầu lập cam kết chấm dứt các hành vi, biểu hiện của tình trạng này.
Cụ thể, ngày 20/5/2022, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội và TP.HCM mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu “báo hóa” đến làm việc. Tại buổi làm việc, các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ rõ các biểu hiện, hành vi “báo hóa” của nhóm đối tượng này, từ đó cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, cam kết khắc phục và không tái phạm.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã tổ chức 2 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng để xử lý nghiêm.
Đồng thời, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cũng tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với những trang thông tin điện tử tổng hợp tiếp tục vi phạm. Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tạm dừng tên miền, đình chỉ, thu hồi giấy phép, tịch thu phương tiện vi phạm.
Để hạn chế tình trạng “báo hoá” Cục Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cũng tiến hành không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp có tên miền có những từ, ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí. Triển khai một số quy định để hạn chế tình trạng “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp đã được bổ sung tại Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP (ví dụ yêu cầu đặt link gốc ngay dưới bài dẫn lại đối với trang thông tin điện tử tổng hợp).
Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin Điện tử cũng đã hoàn thành việc xây dựng Bộ quy định xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến “báo hóa” đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp; hoàn thành việc rà soát, đánh giá, lập danh sách các trang thông tin điện tử tổng hợp có biểu hiện “báo hóa” để thường xuyên theo dõi, giám sát, xử lý vi phạm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tình trạng “báo hoá” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hay tạp chí, đang gây nhức nhối cho xã hội trong thời gian qua. Bộ TT&TT cũng đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, rà soát các hình thức sai phạm này. Trong đó, có việc ứng dụng công nghệ để rà quét nội dung của các đơn vị có biểu hiện “báo hoá”, nhằm tiến hành phát hiện các sai phạm để xử lý.
Đối với trang tin điện tử tổng hợp, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, nếu các đơn vị cung cấp muốn tồn tại sẽ phải tuân thủ nghiêm các quy định của các cơ quan quản lý đưa ra. Cụ thể, các đơn vị hoạt động đúng quy định pháp luật sẽ tồn tại, còn nếu sai phạm quá nhiều sẽ bị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động.
Lê Mỹ