Trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm là mô hình khởi nghiệp tiên phong tại Lào Cai. Với chi phí 6 tỷ đồng và đưa công nghệ vào sản xuất, vườn dâu tây hữu cơ rộng 2,5ha của chị Kim Dung (ở thôn Má Tra, xã Sa Pả, Sa Pa) đạt 20 tấn, đón hơn 40.000 lượt du khách tham quan, doanh thu trung bình 3 tỷ đồng/năm.
Trước đó, mô hình này của chị Dung đã vượt qua hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ trên cả nước tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2022 và giành được sự hỗ trợ 100 triệu đồng.
Chị Dung chia sẻ năm 2016, vợ chồng cùng hai người bạn góp vốn mở trang trại dâu tây nhưng do chưa có kinh nghiệm, chưa đủ kiến thức kỹ thuật sản phẩm thường bị bệnh và thối. Sang tới năm thứ hai, nhờ bài học xương máu, vợ chồng chị chuyển sang trồng dâu tây trong nhà lưới tự chế bằng tre và thử nghiệm giống mới. Tuy cây dâu tây đã bớt bệnh và ít hỏng hơn nhưng vì chưa làm chủ được kỹ thuật, cây đã cho năng suất thấp, quả chua, xuất hiện nhiều sâu. Năm ấy, gia đình chị mất trắng với số tiền thua lỗ gần 300 triệu đồng.
Thất bại càng khiến chị quyết tâm hơn để nghiên cứu, tìm tòi. Sau khi tìm hiểu về trồng dâu tây hữu cơ công nghệ cao, chị đã có định hướng khởi nghiệp rõ ràng. Đánh liều thêm lần nữa, vợ chồng chị xin bố mẹ thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng 2 tỷ đồng khởi nghiệp.
Những cây dâu tây nhỏ được chị Dung tự ươm trồng, nhân giống.
"Ngoài thu hoạch dâu tây xuất đi các cửa hàng, địa phương, chúng tôi còn mở cửa trang trại, đón du khách thập phương tới tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm hái, thưởng thức dâu tây ngay tại vườn và cũng có thể mang về làm quà cho người thân. Mục đích của tôi là mở rộng đầu ra cho sản phẩm và quảng bá một cách tự nhiên", chị nói.
Hoàng Anh (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: "Tôi từng đến các trang trại dâu tây tại Đà Lạt để trải nghiệm việc hái quả, còn đây là lần đầu tôi tới một vườn tại Sa Pa. Chỉ tình cờ biết tới nhưng được mọi người giới thiệu là dâu tây hữu cơ tôi đã ăn ngay tại vườn. Quả thực rất ngon, quả ngọt và mọng".
Với hiệu ứng tốt từ khách du lịch và thị trường, năm 2019, chị Dung đầu tư xây dựng thêm 5.000m2 nhà lưới, nâng tổng số diện tích nhà lưới lên 3ha và trồng thử nghiệm giống dâu tây chịu nhiệt. Để đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách và tận dụng cơ sở vật chất, sau khi hết vụ dâu tây, chị Dung trồng thêm các loại cây nông nghiệp ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng cao như dưa hấu, dưa lưới, dưa chuột bao tử, dưa lê, dưa pepino; đồng thời, chế biến các sản phẩm dâu tây thành thạch, mứt, sữa chua...
Không chỉ giúp kinh tế gia đình thay đổi, vườn nông sản của chị còn tạo công việc cho hàng chục công nhân là các phụ nữ dân tộc thiểu số quanh vùng. Thêm vào đó giúp đẩy mạnh nhận thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm ở vùng cao.
Những công nhân được hướng dẫn kỹ càng quy trình chăm sóc dâu tây và các loại rau củ trong vườn, đảm bảo quy trình hữu cơ cho sản phẩm. Bà Nà Thị Chải (công nhân) đã có công việc ổn định tại vườn dâu trong vài năm gần đây. Thu nhập ổn định, bà Chải ít phải đi nương rẫy vất vả như trước.