- Trong hàng trăm phản hồi độc giả gửi về VietNamNet sau loạt bài về đãi ngộ cán bộ y tế có một cuộc tranh cãi “nảy lửa” với câu hỏi phổ biến: Thu nhập của bác sỹ có thực 'khủng'?

Nhiều độc giả không kết luận mà chỉ nêu thực tế: Không ít bác sỹ có nhà lầu xe hơi, vào bệnh viện cũng thấy nhiều xe xịn của cán bộ nhân viên, con cái bác sỹ được đi học nước ngoài. Bạn đọc Minh Khang cho rằng “thu nhập của bác sỹ là niềm mơ ước của nhiều người”.

Ý kiến của bạn đọc Minh Khang khiến nhiều độc giả phải tranh luận gay gắt. “Tôi cá với bạn là chỉ cần một ngày vào vai bác sỹ thôi là bạn đã chạy rồi”, bạn đọc tên Cường quả quyết.

Còn bạn đọc Mai Kha cũng “mời” Minh Khang thử đóng vai bác sỹ ở bệnh viện (chưa nói đến xử lý chuyên môn, chỉ cần làm theo giờ giấc chính, phụ, giờ trực, điều động và chịu áp lực công việc).

“Tôi tin là bạn không chịu được quá 3 ngày. Lúc đó có thu nhập bằng thu nhập bác sỹ chứ có cao hơn nữa chắc bạn cũng vái chào thôi. Hãy thử 1 tuần có 2 đêm không ngủ, con cái không ai chăm sóc thì sẽ rõ”, bạn đọc Mai Kha nói.

{keywords}
Ảnh minh họa: Bình Minh

Nhiều bạn đọc đồng tình cho rằng thu nhập thực tế của bác sỹ hiện nay như thế nào vẫn còn là một “ẩn số” vì chưa bao giờ thấy có thống kê tính toán minh bạch, song có thể thấy lượng bác sỹ có thu nhập cao không nhiều, đại đa số vẫn khó khăn, đang phải “miệt mài” lao động, vắt kiệt sức để đảm đương công việc và kiếm sống.

“Bác sĩ có phòng khám tư mà thu nhập cao thì ít thôi, cán bộ y tế không có sức để làm trong giờ chứ đừng nói ngoài giờ, môi trường thì ô nhiễm bệnh tật. Lương thấp không đủ bù hao mòn sức khỏe”, bạn đọc Khúc Mai Anh chia sẻ.

Thu nhập của bác sỹ cao hay thấp, theo bạn đọc Ngọc Hà, không thể đánh giá đơn thuần bằng những con số rồi so sánh với những ngành khác mà phải nhìn vào thực tế làm việc đầy áp lực của họ.

“Ít bác sĩ giải thích chi tiết khi bạn khám bệnh, nhưng với số lượng bệnh nhân khủng khiếp như hiện nay thì làm sao bác sĩ có hơi sức để giải thích? Bác sĩ là người phải chịu trách nhiệm cho sinh mệnh của mỗi người bệnh, hàng ngày họ phải đương đầu với quá nhiều rủi ro trong nghề nghiệp, một phút lơ là uể oải cũng có thể gây ra hậu quả. Theo tôi có tăng gấp 3 gấp 5 lần mức lương hiện nay cũng chưa xứng với trách nhiệm của họ”, bạn Ngọc Hà cho biết.

Tuyến dưới, điều dưỡng 'kêu'

Những nội dung về lương, đãi ngộ cán bộ y tế được VietNamNet nêu ra cũng thu hút nhiều ý kiến của cán bộ y tế tuyến dưới và những điều dưỡng đang hàng ngày hàng giờ cùng bác sỹ cứu chữa người bệnh.

“Thử hỏi không có điều dưỡng thì bác sỹ có làm việc được không? Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực. Có đêm bệnh nhân đông, chúng tôi không phải đi nhanh mà phải chạy. Nhưng có bao nhiêu người biết thực tế này? Điều dưỡng không ai biết, không có địa vị xã hội, không tiền (vì lương thấp và không mở được phòng mạch làm thêm như bác sỹ)”, bạn đọc Nguyễn Việt Trung than thở.

Là cán bộ y tế tuyến xã, bạn Nguyễn Hữu Kiên kể: Mỗi tháng ngoài lương và phụ cấp được huyện cấp thì trạm y tế xã được cấp thêm tiền chi thường xuyên gồm: tiền điện, điện thoại, internet, nước, văn phòng phẩm, tiếp khách, công tác phí… tổng cộng cả năm là 7 triệu đồng.

“Số tiền đó đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu?”, bạn đọc Hữu Kiên đặt câu hỏi.

Phải thay đổi

Bạn đọc Lê Trung Hiếu nêu thực tế: Đo 1 ca điện não đồ mất hơn 30 phút, 1 kỹ thuật viên ngồi suốt trong buồng tối, tiền giấy, mực in, tiền điện, chưa kể tiền công, hao mòn máy móc, thế nhưng BHYT thanh toán 20 ngàn đồng, kể cả tiền công bác sỹ đọc kết quả, và rất nhiều kỹ thuật khác cũng tương tự thì lấy gì để phục vụ tốt, nhanh chóng cho bệnh nhân?

Bạn đọc Hồ Đào chỉ ra cội rễ của những tiêu cực trong ngành y hiện nay bắt nguồn từ cách thức quản lý hệ thống y tế không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

Theo đó, cả xã hội đã theo cơ chế thị trường nhưng y tế lại theo định hướng XHCN. Nhà nước duy trì hệ thống y tế công giá thấp nên chất lượng phục vụ không thể cao và thầy thuốc không thể làm giàu dù có phục vụ nhiều bệnh nhân.

Lao động y tế vì thế bị xã hội định giá thấp hơn giá trị thực giống kiểu bán hàng thời bao cấp. Từ đó xuất hiện thị trường chợ đen y tế: Muốn được phục vụ tốt phải có phong bì ở bệnh viện công hoặc lạm dụng xét nghiệm (kiểu bán bia kèm lạc thời bao cấp) ở y tế tư nhân.

Điều đó khiến bác sỹ không thể làm giàu bằng tiền công đi làm. Muốn có tiền chỉ có thể bằng cách vắt kiệt sức làm việc gấp 3-4 lần bình thường hoặc chấp nhận phong bì, lạm dụng thuốc lạm dụng xét nghiệm.

Nhận định “một nền kinh tế thị trường minh bạch và lành mạnh sẽ chữa hết các căn bệnh nan y của giáo dục, y tế”, nhiều bạn đọc viết, cần đặt ngành y đúng với vai trò, vị trí trong nền kinh tế thị trường để có những chính sách điều tiết hợp lý nhằm giải quyết những bất cập đang phát sinh về quá tải, thu nhập, y đức...

  • Cẩm Quyên