Xe cấp cứu 115 vừa phải đối phó nạn kẹt xe, vừa phải chống đỡ những người lưu thông coi việc chạy trước đầu xe là bình thường.

“Thời gian đối với bệnh nhân cấp cứu rất quý giá, chậm một giây có nguy cơ không thể cứu sống".

{keywords}
 

Thế nhưng xe cấp cứu khi tới nhà bệnh nhân hoặc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện (BV) thường gặp phải nhiều trường hợp người tham gia giao thông không nhường đường, thậm chí còn mắng chửi tài xế” - bác sĩ (BS) Trang Thị Hồng Phượng, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, chia sẻ.

Ung dung trước đầu xe cấp cứu

Ngay hôm 16-2 (mùng 1 Tết nguyên đán), Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM nhận được cuộc gọi báo tin một ca bệnh nặng trên đường Lê Thị Riêng (quận 1). Ngay lập tức tài xế Lê Tôn Hoàng Việt bật còi hụ, chở tổ cấp cứu tới nhà bệnh nhân.

Đang lưu thông khá nhanh trên tuyến đường Cao Thắng, anh Việt đột ngột phải giảm tốc độ vì một xe máy cứ chạy lượn lờ trước đầu xe, bất chấp còi hú inh ỏi.

Năm lần bảy lượt anh Việt cố vượt qua chiếc xe máy nhưng không thể vì đường đang khá đông phương tiện di chuyển.

Ngồi trên xe, BS Phượng và hai điều dưỡng không khỏi sốt ruột. Phải đến khi xe máy trên tự chuyển hướng, rẽ sang đường khác xe cấp cứu mới có thể di chuyển nhanh tiếp.

Nào ngờ chỉ vài phút sau, anh Việt một lần nữa phải giảm tốc độ vì một người đàn ông lững thững đi bộ băng qua đường. Vừa đủng đỉnh sang đường ông vừa nhìn xe cấp cứu… mỉm cười rất ung dung.

Thoát khỏi người đi bộ thì lại tiếp tục “đụng độ” một xe máy muốn sang đường nhưng cứ từ tốn lượn trước đầu xe cấp cứu cả đoạn dài. Từ BS tới tài xế trên xe chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

{keywords}
Xe cấp cứu bị vây bởi rừng xe máy xung quanh. 

Nhường đường là chuyện xa xỉ

Nhiều tài xế lái xe cứu thương cho biết việc họ bị người đi đường cản trở trên đường đi cấp cứu bệnh nhân, đưa bệnh nhân về BV là chuyện thường ngày.

“Rất ít người tham gia giao thông nghĩ đến việc phải tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi. Họ không nghĩ rằng với người bệnh nhanh hơn một phút đã là chuyện sống còn.

Lái xe cấp cứu không chỉ căng thẳng mà còn rất khó khăn với những người lưu thông thiếu ý thức” - anh Việt chia sẻ.

Lái xe cấp cứu đã lâu, anh Võ Lâm Khai Nguyên nhiều lần còn phải nhường đường cho người đi bộ và các phương tiện khác.

“Thế nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi đều phải cố gắng hết sức, không để ảnh hưởng thời gian cấp cứu và tính mạng bệnh nhân” - anh Nguyên nói.

Các tài xế có chung nhận định điều đáng tiếc trong văn hóa giao thông xứ ta, đa số người dân coi việc nhường đường cho người khác, kể cả xe cấp cứu là chuyện xa xỉ nên hiếm ai làm.

“Cũng có lần êkíp bị người nhà bệnh nhân phàn nàn vì đến trễ. Chúng tôi chỉ mong những người tham gia giao thông nâng cao ý thức, biết rằng phải nhường đường cho xe cấp cứu khi có tín hiệu hú còi.

Bởi lẽ tính mạng của bệnh nhân cấp cứu đang ngàn cân treo sợi tóc. Chúng tôi tới sớm một giây thì khả năng bệnh nhân được cứu sống sẽ rất cao” - BS Phượng bộc bạch.

Không nhường đường xe ưu tiên sẽ bị phạt

Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

(Trích Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

(Trích Mục d khoản 6 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP)

(Theo Pháp luật TPHCM)