Lang Chánh là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, từ việc thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện đã giảm dần.
Theo đó, đầu giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo 30,62%, giữa giai đoạn giảm còn 18,97%; tỷ lệ giảm bình quân 5,8%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo 37,48%, giữa giai đoạn giảm còn 32,07%; tỷ lệ giảm bình quân 2,7%/năm.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm khoảng 870 hộ nghèo trở lên, tỷ lệ giảm nghèo 7,46% trở lên trong năm 2024, trong 7 tháng đầu năm 2024, huyện Lang Chánh đã tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.
Thông qua các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, huyện xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi trâu, bò sinh sản; nuôi dê lai, lợn nái sinh sản; trồng cây vầu, trồng bưởi da xanh hay cây dược liệu...
Trong số những hộ dân đã thoát nghèo ở huyện Lang Chánh, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Phạm Văn Hùng ở thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương là điển hình của việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công.
Theo anh Hùng, trước đây gần như toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình anh chủ yếu trồng cây mía và cây lâm nghiệp, hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài tỉnh, vợ chồng anh quyết định chuyển đổi 2 hecta này sang trồng cây ăn quả. 350 gốc bưởi da xanh và 400 cây cam canh ban đầu đã mang lại cho gia đình anh thu nhập từ 150-200 triệu đồng mỗi năm.
Từ bước đà này, gia đình anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 500 cây ổi lê Đài Loan; 7 sào bơ rồi trồng thêm 2,5 ha xoài. Mô hình trồng cây ăn quả giúp gia đình anh Hùng thoát nghèo.
Tương tự, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của gia đình bà Lê Thị Hậu ở bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cũng giúp gia đình bà vươn lên làm chủ kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Theo bà Hậu, trước đây gia đình bà có gần 6 ha đồi thấp vốn sản xuất mía, keo nhưng hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng. Được sự vận động, hỗ trợ của UBND xã, gia đình bà đưa hơn 300 gốc chanh leo, 555 gốc xoài keo vào sản xuất, tổng diện tích khoảng 1,8 hecta. Ngoài ra, gia đình bà còn liên kết sản xuất được gần 4 hecta dược liệu. Nhờ được tập huấn kỹ thuật sản xuất, diện tích cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Lang Chánh đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Điều quan trọng, ban chỉ đạo cấp huyện, xã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai chương trình phù hợp với điều kiện từng địa phương, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng. Điều này giúp Lang Chánh tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân giảm nghèo bền vững.
Các hộ nghèo cũng được hướng dẫn sản xuất, phát triển kinh tế như thực hiện cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Huyện cũng đã tiến hành điều tra, rà soát xác định rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của từng hộ, ưu tiên hỗ trợ trước với nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động, có đất hoặc một phần đất canh tác nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất.
Trong các tháng cuối năm 2024, huyện Lang Chánh sẽ tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo.