Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về thực hiện chương trình do Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức hồi tháng 9, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết năm 2024, Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%).

Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống...

Đào tạo tập huấn để phát huy tối đa giá trị sinh kế cho người nghèo

Khơi dậy ý chí tự nỗ lực vươn lên, từ bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong các dự án Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Để hướng tới mục tiêu này, nhiều địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, hiểu giá trị của những hỗ trợ đã nhận được; giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm...

W-giam ngheo.jpg
Đào tạo nghề là giải pháp căn cơ giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định.

Đồng hành với người dân nghèo có động lực vươn lên, các địa phương cũng định hướng trao sinh kế bằng giống vật nuôi, cây trồng, phương tiện lao động sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu của từng hộ gia đình.

Trước khi được trao con giống, cây trồng, các hộ dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trong diện nhận hỗ trợ của dự án được tập huấn cách làm để phát huy tối đa giá trị sinh kế. Ví dụ trước khi bàn giao bê giống Lai sind sinh sản cho 314 hộ dân từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phối hợp với Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bê cái Lai sind cho các hộ thực hiện dự án.

Các hộ đã được hướng dẫn kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi bê cái Lai sind, cách chọn giống bò cái sinh sản đạt hiệu quả cao; phương pháp chọn nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò. Cán bộ cũng hướng dẫn các hộ dân cách phối giống cho bò; cách chăm sóc bò cái mang thai và đỡ đẻ cho bò; chăm sóc bò mẹ sau sinh và bê con trên 1 tháng tuổi; cách phòng chống một số loại bệnh thông thường...

Như vậy, Nhà nước không chỉ hỗ trợ có điều kiện không phải trao hoàn toàn "con cá" (các hộ dân tham gia một số mô hình có đối ứng bằng cách làm chuồng trại, thức ăn, hoặc trả lại một phần theo tỷ lệ nhất định của giá trị sinh kế...) khi trao "cần câu" còn "dạy cách câu cá". Nhờ đó, người dân nắm được kỹ thuật, hiểu biết hơn về vật nuôi, sinh kế phát triển thuận lợi, có việc làm, thu nhập ổn định.

Hỗ trợ đào tạo đúng nhu cầu người nghèo, phù hợp định hướng của địa phương

Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 xác định đào tạo nghề là giải pháp căn cơ giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định. Nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. 

Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Việc làm thỏa đáng chính là cái căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: Thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...

Sau hơn 3 năm thực hiện, tại nhiều vùng nông thôn, các huyện nghèo, rất nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, vừa là việc làm tại chỗ, vừa là việc làm chuyển dịch cho người lao động thành công. 

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) xác định du lịch là mũi nhọn phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế. Địa phương này đã phối hợp tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp, từ nguồn vốn Tiểu dự án 1 (Dự án 4).

Chị Nguyễn Thị Thành, 34 tuổi, ở thôn Bắc An Bình, đảo Bé - xã đảo An Bình, thuộc diện hộ mới thoát nghèo. Chị là một trong 32 người lao động tại đảo Bé được tham gia lớp đào tạo nghề nghiệp vụ du lịch, được đi tham quan, học tập cách làm du lịch ở một số địa phương. Nhờ phương thức vừa học, vừa làm, vừa quan sát thực tiễn, lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo được trang bị kiến thức, kỹ năng, cách thức làm du lịch, giúp tạo việc làm và thu nhập bền vững. Họ cũng có điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.  

Được học lớp ngắn hạn, vợ chồng chị Thành mạnh dạn chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang du lịch, nhận tour, chế biến món ăn phục vụ khách lưu trú một cách bài bản, khoa học. Đầu năm 2024, vợ chồng chị quyết định mua một xe điện chở khách du lịch đi thăm quan đảo, chụp ảnh cho du khách. Công việc làm du lịch giúp anh chị cải thiện thu nhập, có việc làm bền vững.

Tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), 8 tháng đầu năm toàn huyện đã khai giảng 17 lớp, tổ chức đào tạo nghề cho hơn 500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo. Trong đó, có 7 lớp dạy nghề may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, điện dân dụng và 10 lớp dạy nghề chăn nuôi, thú y, trồng trọt, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Còn tại huyện Tân Yên (Bắc Giang), từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm hơn 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, chủ yếu là nghề may công nghiệp. Đây là những ngành nghề được tổ chức dựa trên việc khảo sát nhu cầu của chính người lao động theo học.