Ngày 5/10, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Ban Quản lý Dự án Lâm nghiệp, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và các đơn vị tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy bình đẳng giới cho phát triển lâm nghiệp bền vững”.
Diễn đàn có sự tham gia của 140 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật và các bên liên quan trong ngành.
Vai trò của phụ nữ còn hạn chế
Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, phụ nữ đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lâm nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò và sự đóng góp về mặt kinh tế của phụ nữ trong các hệ thống sản xuất lâm nghiệp thường bị bỏ qua và đánh giá thấp.
Một nghiên cứu do Bộ NN&PTNT và Tổ chức GIZ phối hợp với Viện Lâm nghiệp Châu Âu thực hiện vào năm 2023, cho thấy phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Do đó, thu nhập của họ thường thấp hơn nam giới; khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam.
Phụ nữ nông thôn thường vẫn bị thiệt thòi do bất bình đẳng giới trong tiếp cận các lợi ích từ các chính sách và dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới trong ngành nông nghiệp nói chung, trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng tại Bình Định được quan tâm và đạt được nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới tại Bình Định vẫn còn những thách thức đáng kể. Trong các hoạt động lâm nghiệp, như công tác quản lý, hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản vẫn còn xuất hiện sự bất bình đẳng. Vấn đề này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ về việc phân công lao động, phân chia lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường lao động.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, cho biết thực tế cho thấy, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Thậm chí, ở không ít nơi còn tồn tại những quan niệm, hủ tục và nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới, như chế độ phụ hệ, nếp gia trưởng vẫn phổ biến trong quan hệ gia đình tại nông thôn…
“Thực hiện bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp không chỉ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, mà còn đối với quốc gia.
Chúng tôi hi vọng rằng, thông qua diễn đàn này, các vấn đề về bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp sẽ được các đại biểu trao đổi sôi nổi, tích cực để tìm ra những giải pháp thúc đẩy hợp tác liên ngành, liên cấp và liên quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và bảo đảm an toàn cho phụ nữ với phương châm “Thúc đẩy bình đẳng giới vì ngành lâm nghiệp phát triển bền vững”, ông bảo nói.
Trao quyền cho phụ nữ là yếu tố then chốt
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã cùng nhau tìm hiểu những thành tựu về việc thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới trong ngành NN&PTNT; Chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và quyền phụ nữ trong hợp tác phát triển và hoạt động ngoại giao; gợi ý trong hợp tác phát triển và hợp tác ngoại giao giữa Đức và Việt Nam; tham gia các phiên thảo luận song song nhằm tìm hiểu các vấn về đề giới và các biện pháp bảo đảm an toàn xã hội trong chuỗi giá trị gỗ và lâm nghiệp.
Các đại biểu đã nhất trí công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ. Đồng thời, cho rằng việc trao quyền cho phụ nữ là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.
Ông Santiago Alonso Rodriguez, Tham tán thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, chúng ta luôn cần đến sức mạnh của phụ nữ, nhưng đôi khi sức mạnh này chưa được khai thác đúng mức trong ngành lâm nghiệp cũng như trong nhiều ngành ở Việt Nam nói riêng và ở các quốc gia khác nói chung.
Các rào cản và tư duy khuôn mẫu, vai trò đại diện, sự tham gia của phụ nữ chưa được tạo điều kiện để thể hiện đầy đủ vẫn còn là những tồn tại ngăn cản phụ nữ nhận được những lợi ích và triển vọng mà họ xứng đáng để đạt được hạnh phúc và phát triển cá nhân về mặt kinh tế hoặc xã hội. Vì vậy, nhiều nỗ lực còn cần được thực hiện ở nhiều lĩnh vực và tất cả các cấp.
“Chúng tôi tin rằng, việc càng nhiều trẻ em gái, phụ nữ được tham gia vào xã hội, được trao vai trò đại diện, được trao quyền trong xã hội là nền tảng của một xã hội thịnh vượng, ổn định và hòa bình. Bởi vì phụ nữ chính là nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững tốt nhất. Không ai có thể mang lại giá trị cho gia đình, cộng đồng và xã hội tốt hơn hơn phụ nữ. Chúng ta thậm chí có thể lượng hóa sự đóng góp của phụ nữ trong các chương trình và dự án đã và đang thực hiện”, Ông Santiago Alonso Rodriguez nói.
Chia sẻ về lồng ghép giới trong công tác tác bảo vệ, phát triển rừng tại cơ sở, bà Hoàng Lạc Tú Minh, Kế toán trưởng, Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn khuyến nghị: “Lồng ghép giới và công bằng giới cần thực hiện thông qua nâng cao nhận thức về giới, xóa bỏ định kiến giới, không phân biệt đối xử. Đặc biệt là cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý cán bộ”.
Tại diễn đàn, 10 bức ảnh với chủ đề "Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ" đã được trưng bày. Thông qua đó, các đại biểu được khám phá những câu chuyện, quan điểm và trải nghiệm giàu cảm xúc từ những phụ nữ đang trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực lồng ghép và thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Cả nước hiện có 14,74 triệu ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, rừng Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng. Ngành lâm nghiệp cũng là một ngành kinh tế kỹ thuật mang lại cơ hội việc làm cho người dân. |