Các bệnh truyền nhiễm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ mắc trong những tháng đầu đời gồm Viêm gan B, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt và bệnh do vi khuẩn Hib.

Trong đó, bệnh Bạch hầu lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, gây nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm cơ tim, liệt dây thần kinh… Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, bệnh có thể gây tử vong ở khoảng 30% các trường hợp chưa tiêm vắc xin hoặc không được điều trị đúng cách. Tỷ lệ tăng cao hơn ở trẻ nhỏ. 

Tại Việt Nam, mầm bệnh Bạch hầu đang lưu hành trong cộng đồng, tính từ đầu năm đến ngày 14/8, cả nước đã ghi nhận 9 ca mắc Bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc đều có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng. 

Với Ho gà, tính đến đầu tháng 8/2024, miền Bắc ghi nhận 570 trường hợp mắc, nghi mắc bệnh, tăng gấp hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong số gần 400 trẻ khám và điều trị Ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phần lớn là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh. 

Theo các thống kê, trẻ càng nhỏ mắc Ho gà có biến chứng càng nặng và tỷ lệ tử vong càng cao. 90% ca mắc và tử vong xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi.

Tỷ lệ tử vong do Uốn ván từ 10 - 90%, cao nhất là ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là mầm bệnh xâm nhập vết cắt dây rốn hay trẻ không được vệ sinh rốn sạch sẽ sau sinh. Ví dụ như trường hợp một bệnh nhi ở Đắk Lắk bị mắc Uốn ván nặng dẫn đến bị suy hô hấp nặng khi vừa sinh được 5 ngày vào tháng 5/2024. 

vnvc 1.jpg
 Trẻ nhỏ dễ dàng bị vi khuẩn, virus tấn công nếu có hệ miễn dịch kém. Ảnh: Shutterstock

Bại liệt xảy ra cao nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Khi đi vào cơ thể, virus dễ xâm nhập vào hệ thần kinh, gây ra liệt hoàn toàn chỉ trong vài giờ. 

Theo WHO, cứ 200 ca mắc sẽ có một ca bị tình trạng tê liệt không hồi phục. Trong số những người bị liệt, 5 - 10% tử vong do liệt cơ hô hấp tức cơ hoành.

vnvc 2.jpg
 Người sống sót sau Bại liệt có thể chịu di chứng tàn tật suốt đời. Ảnh: Vecteezy

Bệnh do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) lây theo đường hô hấp trực tiếp từ người sang người, gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm màng não, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm nắp thanh quản… 

Trước khi có vắc xin, ước tính năm 2000 có khoảng 2,1 triệu ca nhiễm trùng nặng và 299.000 ca tử vong ở trẻ em do Hib. Nhờ vắc xin được đưa vào sử dụng, số ca tử vong do nhiễm vi khuẩn Hib còn khoảng 29.500 trẻ vào năm 2015, giảm tới 90% so với năm 2000, theo nghiên cứu từ Viện Đại học Johns Hopkins. 

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lưu hành virus Viêm gan B cao, chiếm từ 10 - 20%. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ cao lây bệnh từ mẹ khi mẹ mang thai, chuyển dạ. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mẹ lây Viêm gan B cho con tại nước ta từ 5 - 10% mỗi năm. Trong đó, có tới 90% trẻ chuyển sang Viêm gan B mạn tính khi mắc bệnh.

vnvc 3.jpg
 Trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin có nguy cơ trở nặng khi mắc bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Shutterstock

Theo BS. Lê Thị Trúc Phương - chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, hiện nay thời tiết cả nước diễn biến thất thường, trở lạnh dễ khiến các vi khuẩn, virus sinh sôi. Trong khi đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, cấu trúc hệ hô hấp, tiêu hóa cũng như các cơ quan đều yếu ớt, kháng thể bảo vệ truyền qua nhau thai và sữa mẹ cho trẻ sẽ giảm dần theo thời gian. Hơn nữa, trẻ thường có thói quen mút tay, cho vào miệng bất kỳ đồ vật gì cầm được nên dễ bị các mầm bệnh xâm nhập hơn.

“Để bảo vệ con khỏi các bệnh truyền nhiễm kể trên, ba mẹ cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, khử khuẩn đồ chơi của trẻ, cho trẻ bú mẹ và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, việc chủng ngừa cho trẻ đúng lịch, đủ mũi tiêm sẽ giúp con củng cố hệ miễn ngay từ những tháng đầu đời”, BS. Phương lưu ý.

vnvc 4.jpg
 Ngoài cho con ăn đủ chất dinh dưỡng, tiêm vắc xin có thể giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt hơn. Ảnh: Shutterstock

Cũng theo BS. Phương, WHO và Bộ Y tế nước ta khuyến cáo, mỗi loại vắc xin khi được đưa vào sử dụng đều trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về độ an toàn, hiệu quả, liều dùng, cách tiêm và lịch tiêm. Khi lịch tiêm bị chậm trễ, trẻ chưa có đủ kháng thể bảo vệ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như trở nặng, nhất là với những trẻ sinh non, thiếu tháng. Chưa kể, trẻ mắc bệnh cũng khiến các phụ huynh lo lắng, mệt mỏi và tốn kém chi phí điều trị bệnh. 

vnvc 5.jpg
 Trẻ nhỏ tiêm vắc xin tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Hiện Việt Nam đã có vắc xin phòng 6 bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt, các bệnh do Hib trong cùng một mũi tiêm. Vắc xin có lịch tiêm gồm 3 mũi vào lúc 2, 3, 4 tháng, có thể tiêm sớm vào lúc 6 tuần tuổi. Sau đó, trẻ cần tiêm nhắc lại mũi thứ 4 khi được 16 - 18 tháng và cần hoàn tất 4 mũi tiêm trước 2 tuổi. Để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, ba mẹ nên sử dụng cùng một loại vắc xin trong loạt các mũi tiêm cơ bản cho trẻ và nên tiêm đúng lịch. 

Minh Hằng