Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp triệt để.

Thời gian đào tạo lập trình quá ngắn và không được phân bổ hợp lý giữa các cấp học được xem là một trong các nguyên nhân.

Để khắc phục hạn chế trên, tại một tọa đàm về nhân lực số được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đề xuất đưa lập trình vào chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là cấp 3, nhằm giúp học sinh tiếp cận sớm với công nghệ và sẵn sàng cho thị trường lao động.

Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ban Khoa giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Việt Nam, người Việt rất thông minh, thế nhưng, có một nghịch lý khi Việt Nam lại nổi tiếng với nguồn nhân lực giá rẻ.

Thanh niên Việt Nam sức dài vai rộng nhưng làm ra chỉ 5-7 triệu/tháng. Ở các công ty công nghệ, mỗi người lao động chỉ cần 1 cái bàn khoảng 2 mét vuông, 1 bộ máy tính để viết phần mềm, năng suất của họ bằng cả trăm lao động phổ thông. Đã đến lúc Việt Nam cần có một nguồn nhân lực không rẻ mà phải là hàng chất lượng cao”, TS. Nguyễn Thanh Sơn kỳ vọng.

W-Lap trinh cntt 1.jpg
Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Việt Nam - TS. Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: TĐ

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho hay, để có được đầu vào chất lượng cho bậc đại học, cần trang bị cho học sinh phổ thông kiến thức, tư duy và kỹ năng về Toán, STEM, lập trình.

Theo Phó Cục trưởng Cục CNTT, những bạn trẻ có năng lực, nguyện vọng có thể được hướng nghiệp sớm từ cấp 3. Điều này giúp các em có thể tham gia thị trường lao động ngay từ khi kết thúc thời gian học phổ thông.

Ở góc nhìn của một đơn vị chuyên đào tạo, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Aptech Việt Nam cho biết, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, học sinh đã thành thạo một số công nghệ lập trình như Python, Java trước cả khi vào đại học.

Sinh viên Việt Nam chỉ có thời gian rất ngắn trong 4 năm đại học để học lập trình, trong khi phần lớn thời gian dành cho các môn học đại cương và cơ sở.

"Kỳ vọng sinh viên Việt Nam có thể nắm vững các công nghệ mới trong thời gian đào tạo ngắn như vậy là điều bất khả thi", ông Tuấn Anh nhận định.

Là một trong những người sớm đưa kỹ năng lập trình vào bậc học phổ thông, ông Hoàng Văn Lược (Trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ) cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam cần nắm bắt và tiếp cận nhanh với công nghệ, đặc biệt là về AI, Big Data. 

"Ngay từ bây giờ phải đưa các môn công nghệ, lập trình vào trung học phổ thông. Sau 3 năm học, học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, thậm chí các em có thể đi làm ngay để kiếm tiền nuôi gia đình", ông Lược nói.

W-Lap trinh cntt 3.jpg
Các bạn trẻ trong một khóa học lập trình. Ảnh: TĐ

Trên thực tế, việc đưa lập trình vào chương trình cấp 3 không chỉ giúp giải quyết vấn đề nhân lực mà còn mang lại nhiều lợi ích cho học sinh.

Là một phụ huynh từng cho con theo học lập trình ngay từ năm học lớp 10, chị N.L. Hương (Hà Nội) lúc đầu rất lo lắng, hoang mang, không biết con có theo được chương trình hay không, nếu không thì phải rẽ ngang thế nào.

Tuy nhiên, sau đó chị đã thở phào nhẹ nhõm khi hết cấp 3, con gái chị vừa đỗ khóa tốt nghiệp về lập trình, lại đỗ cả các trường đại học trong nước.

Chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình, chị cho biết, trong 3 năm học cấp 3, con gái chị đã thay đổi rất nhiều. Học lập trình giúp các bạn trẻ có tư duy lập trình, từ đó theo học tất cả các môn văn hóa khác theo cách rất khoa học.

Học lập trình còn giúp các con hình thành tư duy trong việc viết luận, viết CV thuyết phục các nhà tuyển dụng sau này. Tư duy lập trình không chỉ có ích cho các bạn trẻ trong công việc, học tập mà còn hữu ích trong cả cuộc sống sau này, nhất là những khi cần ra quyết định", chị Hương nói.

Nhìn chung, các chuyên gia đều đồng ý với nhận định đưa lập trình vào chương trình giáo dục cấp 3 là một giải pháp khả thi và cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực CNTT chất lượng cao tại Việt Nam.

Điều này không chỉ giúp học sinh có nền tảng kiến thức và kỹ năng số vững chắc mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các em khi tham gia thị trường lao động.