Học bán trú là một cách thức tổ chức học mà trẻ em, học sinh sẽ được học và ăn uống ngủ nghỉ ở trường cả một ngày. Đây là hình thức học khá phổ biến và phù hợp với những học sinh ở bậc mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, trong bối cảnh giãn cách xã hội vì Covid-19, nhiều phụ huynh thấp thỏm điều này.

{keywords}
Trẻ mầm non ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Bắc Từ Liêm cho biết, hiện phòng đang yêu cầu các trường mầm non khảo sát việc các gia đình cho trẻ đi học trở lại ra sao. Trên cơ sở thực tế, các nhà trường sẽ chủ động lên phương án kế hoạch và phòng sẽ duyệt theo từng trường.

“Bởi có trường thì trẻ trở lại đông nhưng có trường thì chỉ một nửa hoặc 1/3 thì có thể không cần chia tách ca. Ngoài ra còn tùy thuộc vào diện tích của từng lớp. Có lớp 40m2 thì chỉ cho tối đa 20 cháu. Nhưng với những lớp xây sau này với diện tích 70-80m2 thì có thể trên 20 cháu cũng được. Như vậy tùy tình hình từng nhà trường, từng phòng học và phòng sẽ quyết định linh hoạt chứ không đồng loạt”, bà Hương.

Về việc tổ chức học bán trú, bà Hương cho hay nếu trường nào đủ điều kiện y tế thì được phép tổ chức, ngược lại thì phải chấp nhận việc chỉ tổ chức dạy học, không bán trú. Bởi tổ chức dạy học và ăn, ngủ bán trú là khác nhau. “Đã có trường đề xuất không bán trú bởi vì phòng học không lớn nhưng số lượng trẻ quá đông.

VietNamNet có nêu vấn đề, một số trường và phụ huynh trên địa bàn quận ý kiến rằng: “công văn cho trẻ đi học trở lại nhưng không cho trẻ ăn, ngủ bán trú ở trường”.

Về việc này, bà Hương cho hay, có thể các nhà trường đang có chút hiểu nhầm về thời điểm công văn hướng dẫn.

“Trước đây khi mà TP Hà Nội chưa công bố nới lỏng giãn cách, khi đó UBND quận có thông báo có thể tạm thời trong tuần đầu tiên chưa tổ chức bán trú. Có thể một số trường đang nghĩ theo đó. Nhưng hiện nay, nhà nước nới lỏng giãn cách, phòng cũng vừa có văn bản sẽ căn cứ các điều kiện đảm bảo an toàn và phòng dịch cho trẻ tại cơ sở”, bà Hương nói.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông cho biết những ngày này, các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn đang triển khai các công tác chuẩn bị để đón trẻ trở lại vào tuần sau và đây cũng là chủ đề được các nhà trường quan tâm.

Theo bà Hằng, hiện phòng GD-ĐT quận Hà Đông đang cho các trường đăng ký các phương án tổ chức học tập tại trường, phân ca, chia lớp, bố trí giờ vào lớp lệch nhau để tránh học sinh ùn tắc đầu giờ.

“Với cấp tiểu học, chúng tôi đang dự kiến có thể từ 7h đến 7h30 sáng sẽ đón 3 khối lớp, từ 7h30 đến 8h sẽ đón 2 khối lớp còn lại để tránh việc trẻ xếp hàng dài ùn tắc, ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, việc này chỉ là một gợi ý cho các nhà trường trong việc xây dựng phương án, chứ không bắt buộc mà còn tùy thuộc vào thực tiễn của từng trường học”, bà Hằng cho hay.

Với bậc mầm non, bà Hằng cho biết toàn quận Hà Đông, trước tiên các trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến xem những gia đình nào đăng ký cho con trở lại trường, đăng ký bán trú, bởi có nhiều nhà chưa cho trẻ đi học ngay. Sau đó, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của trường để quyết định.

“Nếu như các lớp đảm bảo số lượng học sinh quay trở lại ít thì vẫn có thể tổ chức cho trẻ đến trường. Trong trường hợp cho trẻ đến trường thì sẽ cho bán trú để tạo điều kiện cho phụ huynh về mặt thời gian và công sức. Còn nếu phụ huynh nào đón được con về thì càng tốt”.

Nếu như trong tình huống số lượng trẻ đăng ký trở lại trường quá đông thì các trường sẽ ưu tiên đối tượng trẻ 5 tuổi. “Bởi các lớp đều phải chia tách nên nếu đông học sinh quá thì các lớp sẽ không đủ giáo viên đảm bảo quản lý”.

Bà Hằng cho biết, nếu số lượng đăng ký trở lại trường khoảng 10-15 cháu/lớp thì có thể đảm bảo trong một phòng học. Vượt 20 phải tính chia lớp và nếu không đáp ứng được thì sẽ ưu tiên nhận trước đối với đối tượng trẻ 5 tuổi.

“Ví dụ trường khoảng 200 trẻ và có thể đủ đáp ứng mười mấy phòng học thì nhận tất cả các cháu, còn nếu không đủ điều kiện giãn cách lớp thì sẽ nhận theo thứ tự ưu tiên từ lứa tuổi trở xuống. Đặc biệt ưu tiên trẻ 5 tuổi bởi các cháu sắp sửa bước vào lớp 1”, bà Hằng cho hay.

Bà Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết mấy hôm nay, trường đã tiến hành dọn dẹp, vệ sinh đảm bảo 15 tiêu chí an toàn đối với trường học để sẵn sàng đón trẻ. “Chiều nay nhà trường tổ chức họp với Ban thường trực đại diện phụ huynh, ngày kia các giáo viên sẽ tổ chức họp trực tuyến với phụ huynh các lớp”.

Hiện, trường đã lên 4 phương án triển khai đón giãn cách học sinh để đảm bảo an toàn, trong đó có cả việc có tổ chức bán trú hay không. Tới đây, họp phụ huynh, lắng nghe ý kiến thống nhất mới đưa ra phương án chính thức.

“Các phương án nêu lên việc chia đôi, giãn cách lớp học như thế nào, nhóm nào học thứ mấy, ăn ngủ tại trường như thế nào, giờ đến trường và giờ tan trường từng khối ra sao, thời khóa biểu sẽ học chủ yếu những môn gì,... để bàn bạc, thảo luận cùng phụ huynh”, bà Mai cho hay.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho hay chiều nay phòng và các trường sẽ có cuộc họp trực tuyến với Sở GD-ĐT Hà Nội và qua chỉ đạo sẽ triển khai cho các nhà trường.

Về việc tổ chức bán trú cho trẻ mầm non và tiểu học, ông Vũ chia sẻ, tổ chức học bán trú cả ngày thì phụ huynh sẽ thuận tiện hơn. “Thực sự khi phụ huynh đưa con đến trường mà chỉ tổ chức học một buổi, không tổ chức bán trú mà cho về thì rất khó. Nếu chỉ tổ chức theo buổi đến trường thì buổi trưa các bố mẹ lại phải lóc cóc đón con về thì mất thời gian, bất cập. Có thể tổ chức một tuần mấy ngày thôi, còn hơn là để phụ huynh sáng đưa con đến trường nhưng trưa phải mất thời gian đi đón. Nếu không, cứ sáng đưa đi trưa đón về, đầu chiều đưa đi chiều tối đón về,  phụ huynh sẽ chỉ quay quay suốt ngày đi đón con chứ không thể làm gì được. Chúng tôi sẽ chủ động nhưng phải đợi ý kiến chung của Sở như thế nào”.

Ở cấp tiểu học, ông Vũ cho hay, nếu giờ chia đôi lớp, một nửa học sáng, một nửa học chiều cũng rất bất cập. Bởi sau khi lớp này học ra thì phải tiến hành khử khuẩn trong khi quãng thời gian cách của buổi trưa chỉ hơn một giờ đồng hồ, rất khó để thực hiện hết được những việc đó.

Nhưng nếu theo phương án học cả ngày, ông Vũ cho rằng cái “vướng” là theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ được dạy theo chương trình chính khóa. “Như vậy nếu học cả ngày, trường sẽ phải dạy chương trình chính khóa 4 tiết buổi sáng và 4 tiết buổi chiều. Như vậy với độ tuổi tiểu học sẽ rất nặng và vô hình trung thành nhồi kiến thức. Bởi trước đây các cháu chỉ học chỉ 4 tiết buổi sáng là chính khóa còn buổi chiều luyện tập, lồng ghép các hoạt động thực hành, kỹ năng sống, văn nghệ,...”, ông Vũ nói.

Việc tổ chức ăn bán trú giãn cách, theo ông Vũ không khó khăn để các trường thực hiện.

Còn ở cấp mầm non, ông Vũ cho hay chưa nghĩ ra được giải pháp tối ưu. “Mầm non thì không thể tách đôi ra và thực hiện việc hôm nay đi học, mai nghỉ, rồi ngày kia đi học,... vì các cháu còn quá bé. Nhu cầu là trẻ đến trường để bố mẹ đi làm, mà ngày cho đến trường được ngày không thì phụ huynh sẽ rất vất vả bởi không có ai trông con. Tiểu học có thể không có người trông trực tiếp mà gửi nhờ nhưng mầm non buộc phải có người trông ở nhà. Trong khi nếu tổ chức cho đi học cả lớp thì không đủ điều kiện số phòng học và giáo viên theo giãn cách”, ông Vũ nói.

Thanh Hùng

Bộ Giáo dục không quy định học sinh đeo mũ chống giọt bắn đi học

Bộ Giáo dục không quy định học sinh đeo mũ chống giọt bắn đi học

- Trả lời báo chí tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 5/5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định trong 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học không có tiêu chí nào nói rằng phải đeo mặt nạ chống giọt bắn.