Chính sách và định hướng của Việt Nam là khuyến khích ngư dân đăng ký ngành nghề khai thác thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.
Thời gian qua, Việt Nam đang rất tích cực triển khai hoạt động bảo tồn biển, thả giống, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; triển khai cấp hạn ngạch giấy phép khai thác, đã có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để từng bước giảm cường lực khai thác cân bằng với nguồn lợi thuỷ sản, đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát.
Chiều 1/12, kết luận hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" thời gian qua. Nhờ đó đã có sự chuyển biến tích cực, được EC ghi nhận tại đợt thanh tra lần thứ 3 vừa qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, xét về tổng thể trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, chậm được khắc phục, chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC.
Theo Thủ tướng, những tồn tại, hạn chế trong chống IUU không chỉ nguyên nhân từ nhận thức của người dân, mà còn có sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Các tồn tại, hạn chế kéo dài chậm khắc phục tại nhiều địa phương do thiếu sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các ngành, các cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; nhiều nơi chưa có giải pháp lâu dài, tạo sinh kế cho người dân...
"Phải nhận thức rằng, việc chống IUU không phải chỉ là hình thức, đối phó, mà vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân, giữ hình ảnh đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển", Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng chỉ rõ, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã có các chỉ thị, công điện, kết luận về chống IUU; đề nghị cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp phải vào cuộc. "Tổ chức thực hiện sâu rộng, có phương pháp phù hợp, huy động sức mạnh tổng hợp trong việc chống IUU", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chống IUU, điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình; rà soát lại lực lượng lao động khai thác thủy hải sản, phân loại đối tượng, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, giảm lực lượng khai thác hải sản. "Cán bộ phải lăn lộn với cơ sở; tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống với dân và nếu tỉnh, huyện xuống với dân thì càng tốt; lo cuộc sống của người dân như cuộc sống của mình thì mới giải quyết được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, cơ cấu lại các khoản vay của ngư dân để xử lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi IUU, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải cương quyết xử lý.
Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các nghị định, thông tư, các quy định, văn bản pháp luật để phát hiện những vướng mắc, kẽ hở để điều chỉnh phù hợp, sát thực tế. Đặc biệt, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau cùng thực hiện chống IUU. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động quốc tế chia sẻ trong vấn đề này vì Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Bộ KH&CN hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị công nghệ trong hoạt động khai thác. Các doanh nghiệp cần hợp tác với người dân để mở rộng thị trường, tạo sinh kế. Ngân hàng Nhà nước quan tâm, chỉ đạo xử lý các vấn đề về khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu nợ một cách cụ thể. Đối với ngư dân, chúng ta vừa phải giáo dục ý thức, tạo cơ hội cho thực hiện các nghĩa vụ, tạo việc làm, sinh kế lâu dài.
"Đảng, Nhà nước ta không có mục đích nào khác là đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Do đó, mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi cán bộ phải làm việc bằng cả trái tim của mình, tránh bệnh hời hợt, hình thức, quan liêu, không đánh trống bỏ dùi", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU. Trong đó, kế hoạch phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, huyện, xã và từng người dân; kế hoạch phải lượng hóa để mọi cơ quan, người dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.
Bên cạnh đó xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU với việc đánh giá tình hình khai thác, nuôi trồng; xây dựng các quy hoạch; tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho người dân...
Thủ tướng yêu cầu, các văn bản phải có tính chất pháp quy để thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; phổ biến cho người dân; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả; hàng tháng phải kiểm điểm những việc đã làm được, chưa làm được và rút kinh nghiệm, thúc đẩy công việc cho thời gian tiếp theo.
Văn Lợi, Mai Hương, Xuân Ngọc