Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu sau thành công của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các quốc gia trên thế giới đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trước những lợi ích mà nó đem lại. Trong xu hướng đó, Chính phủ Việt Nam cũng từng bước áp dụng vào công tác quản lý và xây dựng chính phủ điện tử với các chính sách pháp luật đang được sửa đổi nhằm có hệ thống pháp lý phù hợp với xu hướng hiện nay. 

Thêm vào đó, hội nhập toàn cầu cũng đặt ra những quy tắc, quy chuẩn mới trong hoạt động đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, buộc các quốc gia cần phải tuân thủ, nếu không ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ không đáp ứng và theo kịp đà phát triển. Hội nhập chính là động lực để các nước đang phát triển nỗ lực hòa nhập để nâng cao năng lực, vị thế của quốc gia trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các quốc gia trên toàn thế giới. Do đó, xây dựng nông thôn mới thông minh sẽ là giải pháp biến thách thức thành cơ hội, giúp Việt Nam đạt được trạng thái cân bằng phát triển giữa vùng nông thôn và đô thị để tiến kịp đà phát triển của các nước tiên tiến.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của nông dân xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Tiêu chí mô hình thôn thông minh do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể. Hiện nay, chưa có nhiều địa phương ban hành được tiêu chí cụ thể về thôn thông minh, nhưng các địa phương và người dân đều hiểu nôm na đây là mô hình thôn ứng dụng các công nghệ hiện đại, thông minh, tự động vào sản xuất và đời sống.

Giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả to lớn và mang tính lịch sử, là tiền đề cơ bản để tiến hành xây dựng nông thôn mới thông minh. Đối với các xã nông thôn mới đã đạt được mức độ kiểu mẫu, xã hội nông thôn đã có trình độ cao. Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Vì vậy, xây dựng xã nông thôn mới thông minh là tất yếu khách quan của quá trình phát triển nông thôn.

Từ kết quả đó, ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Chương trình được triển khai ở khu vực nông thôn của cả nước đến hết năm 2025, hướng tới đối tượng thụ hưởng là người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.

Xác định chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong xây dựng nông thôn mới theo hướng:

Ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao;

Ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao;

Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

Yến Hưng