Sau khi Đổi mới được phát động ở Đại hội 6 năm 1986, nền kinh tế đơn thành phần đã chuyển thành đa thành phần, mà về thực chất là cởi trói cho dân để dân góp công, góp của vào xây dựng đất nước, thì nền kinh tế đã trở nên tươi mới, sinh động, thịnh vượng và đa dạng như hôm nay.

{keywords}
Việt Nam: Thành viên có trách nhiệm của các công ước quốc tế về quyền con người. Ảnh Phạm Thiện 

Hàng loạt mục tiêu phát triển rất cao, đòi hỏi có khát vọng bền bỉ đã được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Một quốc gia có dân số 100 triệu người với ¾ dưới tuổi 35 và có vị trí địa chiến lược lợi hại như Việt Nam thì không gian và tiềm năng phát triển là rất to lớn. Đặt ra các mục tiêu phát triển với các mốc cụ thể như trên là rất xác đáng.

Cần rất nhiều yếu tố, giải pháp đồng thời, bền bỉ để thực hiện khát vọng đó, nhưng yếu tố then chốt nhất, quan trọng nhất phải là con người Việt Nam, phải lấy “dân làm gốc” để tiếp tục phát huy tiềm năng con người, vật lực của dân cho phát triển đất nước, cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Trong các dự thảo văn kiện chính trị và kinh tế Đại hội 13 có một số quan điểm phát triển tương đồng với lập luận đó, trong đó đặc biệt là mô hình kinh tế - “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường…”.

Dự thảo báo cáo chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất (hàng hóa, dịch vụ; tài chính, tiền tệ; khoa học, công nghệ; đất đai; lao động) để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguyễn Liên

Như vậy, trong thập kỷ tới đây, các yếu tố thị trường, các loại thị trường sẽ tiếp tục được làm rõ hơn, hoàn thiện hơn để nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn.

Thay vì cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực, trong đó đan xen biết bao trường hợp thông đồng, tham nhũng, trục lợi của các nhóm lợi ích, thị trường sẽ phát huy vai trò công bằng, rõ ràng, minh định hơn trong phân bổ nguồn lực, nhờ đó, người dân và doanh nghiệp xứng đáng nhất, biết cách sử dụng hiệu quả nhất sẽ tiếp cận được nguồn lực. 

Bởi, chỉ khi thực hiện tốt hơn cơ chế phân bổ nguồn lực theo thị trường thì Nhà nước vừa không mất tiền, mất người, mà người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phát triển. Đất nước phát triển, thịnh vượng hơn mới đảm bảo được “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Hữu Khôi