- “Lúc này chưa thích hợp để tổ chức triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” ở Việt Nam. Và, cái gì phục vụ mục đích khoa học thì đừng bán vé thương mại", Họa sỹ-KTS Lý Trực Dũng.
Cuộc triển lãm đầu tiên về các bộ phận cơ thể người được nhựa hóa lần đầu tổ chức ở Việt Nam đang dấy lên nhiều cuộc tranh cãi về vấn đề đạo đức, pháp lý. Sau những tranh cãi kịch liệt, chiều muộn hôm nay (ngày 6/7), Sở Văn hoá - Thể thao TP. HCM đã ra văn bản ngừng triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người", sau 15 ngày mở cửa bán vé tại TP.HCM trong khi dự kiến ban đầu sẽ kéo dài đến 31/12. Đây là điều vô cùng hy hữu đối với những cuộc triển lãm được cấp phép và mở cửa công khai với công chúng trong nước.
Có hay không chuyện lách luật?
Mở cửa hôm 21/6 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” - Mystery of Human body đang tạo sóng tranh cãi trên mạng xã hội. Vấn đề nóng hơn khi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) gửi công văn đề nghị Sở VHTT TP.HCM báo cáo về quá trình cấp giấy phép và tổ chức triển lãm vào ngày 5/7 và yêu cầu báo cáo trước 10/7.
Theo quan sát của báo chí, hồ sơ xin cấp phép tổ chức triển lãm này từng bị Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm từ chối cấp phép tại Hà Nội. Nhưng sau đó “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” vẫn diễn ra tại TP.HCM, thậm chí còn tổ chức bán vé dự kiến kéo dài đến hết năm.
Sự tréo ngoe này được giới quan sát khẳng định, nhà tổ chức đã lách luật bằng cách "chạy" giấy phép ở "cửa khác" để cuộc triển lãm này được tổ chức bằng được? Nếu đúng vậy, rất cần được các nhà quản lý làm rõ.
Người khen, người chê
Tại "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”, các mô hình trưng bày là gần 140 mẫu vật thực tế của cơ thể con người, 12 bộ mẫu toàn thân, 126 bộ phận của cơ thể. Đây là điều chưa từng có ở Việt Nam.
Thực ra, thế giới không xa lạ với hình thức triển lãm Mystery of Human body. Mô hình trưng bày trong triển lãm sử dụng các tử thi đã được bảo tồn nhờ công nghệ nhựa hóa do nhà giải phẫu học người Đức Gunther Von Hagens sáng chế. Triển lãm kiểu này đã phát triển từ đầu thập niên 2000, từng có mặt tại hơn 60 thành phố trên thế giới, thu hút hơn 40 triệu người xem.
Xét dưới góc độ khoa học, đây là một cuộc triển lãm thú vị nếu được tổ chức bài bản, kỹ lưỡng, bởi nó cung cấp những hình ảnh thực và kiến thức sống động về giải phẫu cơ thể người, điều mà bình thường chúng ta ít có cơ hội được thấy tận mắt. Tuy nhiên, cũng chính điều này lại dễ gây sợ hãi. Có khán giả đã sốc khi thấy tận mắt phôi người từ tuần 1 đến tuần 7 hay các bào thai từ tháng thứ 3 tới tháng thứ 9. Theo ghi nhận của một số hãng thông tấn, trung bình mỗi ngày có một khán giả ngất xỉu vì chưa chuẩn bị tâm lý trước khi đến xem triển lãm Mystery of Human body.
Cuộc triển lãm đầu tiền về các bộ phận cơ thể người được nhựa hóa lần đầu tổ chức ở Việt Nam đang dấy lên nhiều cuộc tranh cãi về vấn đề đạo đức, pháp lý. |
Trong khi đó lại có không ít người muốn tìm hiểu cuộc sống dưới góc nhìn nghệ thuật. Họ đến triển lãm này để học được điều gì đó có ích. Một khách tham quan vốn nghiện thuốc lá, đã tỉnh ngộ sau khi tận mắt chứng kiến hình ảnh những lá phổi của người hút thuốc đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào, còn người khác thì đến để tìm hiểu căn bệnh ung thư hủy hoại sức khỏe con người ra làm sao để từ đó họ hướng cách sống lành mạnh, an toàn hơn.
Trả lời trên VnExpress, chuyên gia về nhựa hóa xác động vật Vũ Ngọc Thành cho rằng, “người Việt Nam chưa quen với loại hình triển lãm này". Ông Toàn cũng gợi ý nên khuyến khích mọi người đến xem để hiểu rõ cấu tạo cơ thể. Nhưng cần có cảnh báo độ tuổi và chuẩn bị tâm lý cho khách trước khi vào xem.
Văn hóa và tính pháp lý
Bàn về tính pháp lý của việc hiến tạng, họa sĩ - KTS Lý Trực Dũng, người từng có thời gian dài sống tại Đức - quê hương của nhà giải phẫu trứ danh Gunther Von Hagens, cho biết, nhựa hoá cơ thể người là hình thức không mới. Những triển lãm như “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” thường gây tranh cãi lớn về vấn đề nhân đạo.
Ông Dũng cũng lo ngại triển lãm theo hình thức này còn liên quan đến vấn đề rất lớn khác, đó là chuyện buôn bán nội tạng. Trong thực tế, những triển lãm dạng này thường nhận sự phản đối ở nhiều cộng đồng.
Mặc dù không trực tiếp đến xem triển lãm, chỉ theo dõi qua báo chí và mạng xã hội, nhưng ông Dũng cũng rất choáng bởi, "nhiều hình ảnh được trưng bày khá kinh khủng, có thể gây sang chấn tâm lý và cần xem xét xem luật pháp nước mình cho phép triển lãm cơ thể người như thế nào? Liệu có đúng những xác người này đã được hiến cho y học và được bệnh nhân lẫn người nhà đồng ý sử dụng cho mục đich triển lãm này không?"
Những băn khoăn của ông Lý Trực Dũng cũng là những mối băn khoăn mà dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ các đơn vị có trách nhiệm.
Suy cho cùng thì, “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” là hình thức triển lãm mới lạ và nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, nó có thể chuyển tải thông điệp về cái đẹp, giáo dục kỹ năng sinh tồn, cung cấp những kiến thức thực tế về khoa học. Tiếc rằng, “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” vừa diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa làm được điều đó và còn đó rất nhiều câu hỏi đang cần ban tổ chức làm rõ.
"Ở Đức và một số nước trên thế giới chính phủ họ nhìn chung ủng hộ triển lãm này, người dân ở đó đón nhận bình thường. Nhưng ở Việt Nam thì khác vì còn liên quan tới vấn đề đạo lý vì văn hoá Việt Nam rất khác. Theo tôi lúc này chưa thích hợp để tổ chức triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”. Và cái gì phục vụ mục đích khoa học thì đừng bán vé thương mại", Họa sĩ - KTS Lý Trực Dũng thẳng thắn góp ý.
Bích Hạnh