Bình Nhưỡng vừa phát đi thông điệp cứng rắn khi cảnh báo Hàn Quốc và phần còn lại của thế giới rằng, đừng mong có gì thay đổi ở Triều Tiên sau cái chết của ông Kim Jong-il.

Kim Jong-un và các quan chức, tướng lĩnh Triều Tiên trong lễ tang ông Kim Jong-il. Ảnh: BBC

Trong lúc này, con trai út của ông Kim là Kim Jong-un đang không ngừng củng cố vị trí là nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.

Quân ủy Triều Tiên tuyên bố, nước này sẽ không bao giờ thỏa thuận với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, một nhân vật bảo thủ đã quyết định ngừng thực thi chính sách viện trợ với Triều Tiên năm 2008, và họ sẽ đoàn kết bên cạnh lãnh đạo mới Kim Jong-un.

Tuyên bố cứng rắn được đưa ra sau khi Triều Tiên kết thúc lễ tang chính thức của ông Kim Jong-il và tuyên bố con trai ông, Kim Jong-un, là lãnh đạo tối cao của đảng cầm quyền và quân đội. Các quan chức hàng đầu chính phủ đã khẳng định sự đoàn kết và trung thành với Kim trẻ.

"Chúng tôi tuyên bố long trọng và tự tin rằng, các chính khách ngu ngốc trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, không nên mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào từ chúng tôi", Quân ủy Triều Tiên tuyên bố. "Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa thuận với Lee Myung-bak".

Quân ủy Triều Tiên cho rằng, "các hành động xấu xa" của chính quyền Lee đã đạt tới đỉnh điểm khi họ ngăn chặn những người Hàn Quốc tới Triều Tiên, tưởng nhớ cố chủ tịch Kim Jong-il, ngoại trừ hai nhóm đại biểu dẫn đầu là một cựu đệ nhất phu nhân và một nữ doanh nhân.

Theo Koh Yu-hwan, một chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Dongguk của Seoul, tuyên bố của Triều Tiên là lời cảnh báo với Seoul không được xem nhẹ lãnh đạo mới. "Nó cũng gia tăng rủi ro trong trường hợp Hàn Quốc muốn quan hệ tốt hơn để Bình Nhưỡng có thể có những nhượng bộ lớn hơn" trong bất kỳ cuộc đàm phán nào sau này, ông Koh nhấn mạnh. "Còn quá sớm để nói rằng Triều Tiên Triều Tiên đang rạng ngời hy vọng cho cải cách".

Thực tế là, Bình Nhưỡng trong khi chỉ trích lãnh đạo Hàn Quốc, thì cũng đã đưa ra chút ít hy vọng cho việc cải thiện quan hệ với Seoul khi nói rằng "sẽ tiếp tục thúc đẩy dù khó khăn con đường phía trước trong cải thiện quan hệ hai miền". Tuy nhiên, Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng, bất kỳ mối quan hệ nào tốt hơn sẽ không "dựa trên các thủ đoạn của Hàn Quốc bằng cách pha trộn giữa "cứng rắn" và "mềm dẻo". Seoul có dấu hiệu thay đổi cách tiếp cận với Bình Nhưỡng vài tháng gần đây khi nói rằng, sẽ linh hoạt hơn trong hành xử hai bên.

Hôm qua, một Kim Jong-un buồn rầu, được tôn xưng là người kế nhiệm vĩ đại, đứng cúi đầu trên một ban công của Đại học đường Nhân dân nhìn ra quảng trường Kim Nhật Thành, bên cạnh là các quan chức, tướng lĩnh quân sự hàng đầu Triều Tiên trong lễ truy điệu ông Kim Jong-il. Phía dưới là cả biển người tham dự tang lễ. Kim Yong Nam, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tối cao nói trước đám đông tại Quảng trường Kim Nhật Thành rằng: "Tôn kính đồng chí Kim Jong-un là lãnh tụ tối cao của đảng, quân đội và nhân dân, người kế thừa tư tưởng, khả năng lãnh đạo, phẩm chất, đạo đức, nhân cách và lòng can đảm của đồng chí Kim Jong-il vĩ đại".

Vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra với Kim Jong-un - người thiếu kinh nghiệm hoạt động chính trị, quân sự và khá trẻ tuổi (khoảng cuối độ tuổi 20) - về việc sẽ dẫn dắt đất nước thế nào trong các cuộc đàm phán nhạy cảm về chương trình hạt nhân, hay trong tình hình phát triển kinh tế khó khăn đã vài thập niên, thiếu lương thực trầm trọng. Nhưng sự ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo trẻ đã trở nên rõ ràng trong lễ tang cố Chủ tịch Kim Jong-il.

Thái An (theo AP, Reuters)