Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT sớm trình Nghị định thay thế Nghị định 86. Ảnh minh họa: Internet |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp rà soát dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.
Theo đó, trong cuộc họp rà soát dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đã tích cực xây dựng dự thảo Nghị định; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của các nước; lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp; rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung chưa nhận được sự đồng tình của các Bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Để bảo đảm tính khả thi khi Nghị định được ban hành, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như bảo đảm công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải; tạo hành lang pháp lý để khuyến khích các mô hình đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2019.
Trong đó lưu ý, tiếp thu ý kiến của Bộ Công an về kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu dùng chung về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với ngành Công an để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan để phục vụ yêu cầu quản lý khi cần thiết; chuyển các quy định về xử lý vi phạm (thu hồi phù hiệu xe, giấy phép kinh doanh vận tải) sang thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Bộ GTVT phối hợp với Bộ TT&TT để thống nhất những nội dung liên quan đến đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải.
Bộ GTVT nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe... khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe); nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, từ đó thống nhất với Bộ TT&TT, đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo Nghị định.
Cũng trong phiên chất vấn của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực GTVT vào sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong Nghị định 86 sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất xe taxi công nghệ cũng gắn mào để cơ quan chức năng nhìn lướt qua có thể biết được xe taxi hay xe taxi công nghệ. Về số lượng xe, chúng ta thực hiện Luật Quy hoạch, không còn hạn chế số lượng, do đó Hà Nội muốn hạn chế cũng không được. Doanh nghiệp phải tính hiệu quả kinh tế để đầu tư và chịu rủi ro, địa phương nào hạn chế là phạm luật. Bộ GTVT đang đề xuất, xe công nghệ hay xe truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau. Do đó, xe như Grab hoạt động ở Việt Nam thì phải được đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, chịu trách nhiệm với hành khách.
“Những hãng taxi truyền thống lớn như Vinasun, Mai Linh hiện nay đều sử dụng công nghệ như Grab. Hiện có 13 phần mềm kết nối hãng taxi với người dân. Taxi công nghệ và taxi truyền thống đều có điều kiện hoạt động như nhau, cạnh tranh công bằng sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn", Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay.