- Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương Joseph Yun cho rằng tiến trình đàm phán COC nên mở cửa cho quan điểm của bên ngoài bởi Biển Đông không chỉ là chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN mà còn là sân chung toàn cầu.
Yêu sách chủ quyền phải phù hợp với UNCLOS
Là người kế nhiệm Kurt Campbell trong vai trò trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương khi ông John Kerry nắm chức Ngoại trưởng, bài phát biểu của ông Joseph Yun tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông do CSIS tổ chức ngày 5/6, nhận được sự chú ý bởi đây được xem như một chỉ dấu về chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama.
Ông Joseph Yun |
Bài phát biểu của ông Yun khẳng định 6 điểm quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ đối với tranh chấp Biển Đông. Trước hết, Mỹ không đứng về bên nào trong các yêu sách và tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Tuy nhiên, các yêu sách này phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982. Ông Yun nhấn mạnh điểm quan trọng là các yêu sách về chủ quyền hàng hải phải dựa trên đặc điểm đất mà quốc gia đó chiếm hữu.
Mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, nước này có lợi ích to lớn từ cách thức giải quyết tranh chấp của các bên liên quan. Vị quan chức ngoại giao Mỹ đề cập hai lợi ích cơ bản của Mỹ là tự do lưu thông hàng hải và quyền khai thác tài nguyên trên Biển Đông một cách hợp pháp. Do đó, Mỹ phản đối bất kỳ bên nào đe dọa, cưỡng bách hay sử dụng vũ lực trong tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ việc theo đuổi các biện pháp hòa bình như đàm phán ngoại giao, hòa giải với sự trợ giúp của bên thứ ba hoặc trọng tài quốc tế. Đề cập đến sáng kiến của Philipines đưa vụ kiện ra tòa án quốc tế về Luật Biển, ông Yun khuyến cáo nếu một bên liên quan lựa chọn giải pháp trọng tài quốc tế thì bên tranh chấp chủ quyền không nên trả đũa bằng các biện pháp đe dọa, cưỡng bách.
Đàm phán COC nên mở cửa cho bên ngoài
Về tương lai tranh chấp Biển Đông, nhân vật đặc trách các vấn đề Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nguyên trạng và khuyến nghị các bên liên quan không nên có bất kỳ hành vi đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng. Ông Joseph Yun cho rằng COC là điểm mấu chốt mang lại giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và ngăn chặn xung đột xảy ra ở Biển Đông. Quan chức Mỹ hy vọng hai bên có thể bắt đầu thảo luận chính thức về COC vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Theo ông Joseph Yun, COC không thể là DOC phiên bản 2. Để COC có hiệu lực, một mặt cần có một mối ràng buộc pháp lý nhất định, mặt khác nhà ngoại giao Mỹ cho rằng đến một lúc nào đó, tiến trình đàm phán COC cần mở cửa cho quan điểm bên ngoài bởi Biển Đông không chỉ là giữa Trung Quốc và ASEAN mà còn là sân chơi chung của toàn cầu.
Trước bình luận của một số cử tọa cho rằng tiến trình COC quá chậm chạp, ông Yun lưu ý phải mất 10 năm để DOC đi vào thực thi kể từ khi ký kết, nên COC cũng sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của các bên. Một lý do khiến tiến trình này kéo dài còn do “phương cách ASEAN” tìm kiếm sự đồng thuận từ tất cả các bên.
Dường như không thỏa mãn với lý giải này, chuyên gia Bonnie Glaser đặt vấn đề liệu Mỹ có nên khuyến khích các nước khác, dù có yêu sách chủ quyền hay không lên tiếng ủng hộ giải pháp sử dụng trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp mà Philippines đang theo đuổi nhằm tạo sức ép đối với Trung Quốc. Cho đến nay mới chỉ có Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam công khai ủng hộ sáng kiến này của Philippines.
Ông Yun cho rằng sự thống nhất của ASEAN về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng và có thể phải mất thời gian ASEAN mới đạt được lập trường thống nhất về vấn đề này. ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt đến sự đồng thuận bởi ngay giữa các bên yêu sách cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Ông Yun khuyến nghị cần kiên nhẫn với tiến trình COC bởi tranh chấp chủ quyền thường kéo dài và khó đạt được giải pháp triệt để. “Điều quan trọng là duy trì đối thoại và đàm phán giữa các bên sao cho an ninh và ổn định ở khu vực không bị xáo trộn. Có thể ai đó sẽ chỉ trích rằng nói chỉ để mà nói, song trong bối cảnh tranh chấp phức tạp và căng thẳng hiện tại, đối thoại không phải là ý tưởng tồi”, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ lưu ý.
Can dự cấp cao
6 điểm mà ông Yun trình bày tại Hội thảo quốc tế lần ba về tranh chấp Biển Đông vẫn là sự tiếp tục chính sách Biển Đông đã được xác lập trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hilary Clinton. Không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc song bài phát biểu của ông Yun đã gián tiếp đề cập đến nước này khi khẳng định Mỹ phản đối việc đe dọa, cưỡng bách và sử dụng vũ lực cũng như những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền không dựa trên đặc điểm đất đai mà họ chiếm hữu (Theo UNCLOS, quốc gia chỉ có quyền đòi hỏi chủ quyền lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo mà mình sở hữu hợp pháp. Do đó, đường chữ U mà Trung Quốc tuyên bố không có giá trị pháp lý – NV).
Tuy nhiên, không ít học giả có mặt tại Hội thảo cho rằng Mỹ nên can dự tích cực hơn (more proactive) trong tranh chấp Biển Đông. Họ nêu lên thực tế là Trung Quốc luôn phớt lờ những luận điểm mà Mỹ khẳng định như là duy trì nguyên trạng, không đe dọa cưỡng bách hoặc sử dụng vũ lực…Từ đó, một số học giả đặt vấn đề phải chăng đã đến lúc Mỹ cần cân nhắc về một khuôn khổ chiến lược hiệu quả hơn để gây sức ép buộc Trung Quốc hành xử phù hợp.
Đáp lại, ông Yun cho rằng chính sách Biển Đông hiện tại của Mỹ là tương thích với tình hình. Mặc dù một số vụ đụng độ đã xảy ra và xuất hiện căng thẳng giữa các bên, song “đây không phải là vấn đề trắng hay đen”. Ông này nhấn mạnh điều quan trọng là nhận thức về Biển Đông trong giới lãnh đạo Mỹ ngày càng tăng cũng như Mỹ đang can dự tích cực hơn đối với ASEAN. Quan chức ngoại giao Mỹ cho biết trong tháng này Ngoại trưởng Kerry sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ARF ở Brunei và công du một số nước Đông Nam Á. Tháng 10 năm nay, Tổng thống Obama sẽ dự Thượng đỉnh Đông Á. Hai chuyến đi này, theo ông Yun là sự khẳng định về chính sách can dự tích cực của Mỹ đối với khu vực từ những cấp lãnh đạo cao nhất. ASEAN là một trụ cột trong chính sách tái cân bằng của Mỹ và bất kỳ nguy cơ nào ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế toàn cầu. Ông Yun cho hay trong mọi cấp làm việc, Mỹ luôn tìm mọi cách để thúc giục Trung Quốc chấp thuận tham gia đàm phán COC.
“Tôi hiểu rằng không bao giờ có thể giải quyết được triệt để tranh chấp biển đảo nhưng chí ít thì các bên có thể tạo ra một khuôn khổ làm việc sao cho ổn định khu vực không bị xáo trộn. Đó là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến”, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề "Kiểm soát căng thẳng tại Biển Đông" do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức đã diễn ra tại thủ đô Washington D.C trong hai ngày 5-6/6 với sự tham dự của khoảng 250 đại biểu gồm các quan chức, học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Đông đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. |
-
Võ Minh