8h sáng chủ nhật, Tú Vy (21 tuổi) chưa kịp mở mắt nhưng tay đã mò mẫm tìm chiếc smartphone của mình. Việc đầu tiên sau khi thức dậy của Vy trước cả đánh răng, rửa mặt là nằm lướt mạng.
Vy kiểm tra tin nhắn, lượn vài vòng trên newsfeed. Cô muốn biết tối hôm qua trong khi cô ngủ, chuyện gì đã diễn ra trên mạng.
Đứa bạn đại học đăng một status khá dài, Vy đọc lướt qua rồi thả nhẹ một cái like. Tiếp theo là một vài bức ảnh của bạn bè, người thân check-in chỗ nọ, chỗ kia.
Vy chợt dừng lại ở một bài đăng. Bức ảnh chụp một cô gái xinh đẹp cùng dòng chú thích: “Cô gái nổi tiếng nhất tối qua” trên một diễn đàn thu hút hơn 63.000 lượt thích. Ai đây? Vy tò mò kéo xuống phần bình luận.
Nhưng không có câu trả lời nào rõ ràng, cô vẫn chưa biết chuyện gì và nhân vật trong ảnh là ai. Cảm giác thật khó chịu, Vy mày mò thêm mấy diễn đàn nữa để tìm hiểu.
Sau một đêm thành 'người tối cổ'
Tú Vy không phải người duy nhất cảm thấy bực bội, khó chịu khi lướt internet và thấy mọi người đang bàn luận xôn xao về một sự việc, vấn đề nào đó mà mình lại chẳng hề hay biết đó là chuyện gì.
“Chỉ sau một đêm, tôi trở thành người tối cổ”, Nguyễn Thành (23 tuổi) than thở trên trang cá nhân sau khi 9/10 người bạn của Thành đều đăng status cùng một kiểu: “Rớt môn lần một là lỗi của tôi nhưng rớt môn lần hai lỗi của định mệnh”, “Bị từ chối lần một là lỗi của tôi nhưng thêm lần nữa là lỗi của anh rồi"…
Thành bực tức vì anh không hiểu những dòng trạng thái na ná nhau này từ đâu mà có.
Tất cả cảm xúc tiêu cực của Vy, Thành có lẽ đều bắt nguồn từ “trend”. Trên mạng xã hội, trend (trào lưu) được hiểu là các hiện tượng, xu hướng, có thể là hình ảnh, clip, nhân vật, câu nói, điệu nhảy… được dân mạng, đa phần là giới trẻ quan tâm và hưởng ứng.
Câu nói trong MV ca nhạc của Hương Giang trở thành "hot trend". |
Có thể kể đến một vài “hot trend” trong thời gian gần đây như: Chủ tịch và cái kết (bắt nguồn từ những clip thử lòng trên mạng), Tiền nhiều để làm gì? (bắt nguồn từ câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên tòa ly hôn), Hoa hậu Hương Giang (với câu nói: “Phản bội lần đầu là lỗi của anh nhưng để anh phản bội thêm lần này nữa thì là lỗi của tôi rồi" trong MV Em đã thấy anh cùng người ấy), trào lưu dọn rác #Challengeforchange.
Trào lưu trên mạng xã hội mang tính nhất thời, đến nhanh và đi cũng nhanh. Nhưng nếu không bắt kịp "trend" đang hot ở thời điểm hiện tại, bạn có thể bị cho là sống lỗi, lạc hậu.
Bạn hoàn toàn có thể bị đẩy ra rìa, bị cô lập trong một nhóm chat với bạn bè, đồng nghiệp nếu không biết trào lưu hot nhất hiện tại là gì.
Lạc lõng trên không gian ảo, cô đơn giữa cuộc sống thực
Để không bị “lỗi trend”, Kim Ngân (18 tuổi) cứ có thời gian lại lướt newsfeed để cập nhật tình hình. Nữ sinh cho biết cô có hơn 6 tiếng mỗi ngày để dán mắt vào chiếc smartphone. Bên cạnh xem phim, nghe nhạc, Ngân dành phần lớn thời gian chỉ để lướt và đọc tin trên mạng.
“Muốn biết cái gì đang hot, đang được bạn bè quan tâm, bắt buộc phải online”, 10X nói.
Báo cáo năm 2018 của We are Social cho biết, người Việt sử dụng Internet 7 giờ mỗi ngày, trong đó 2,5 giờ cho mạng xã hội. Facebook và YouTube là hai dịch vụ được sử dụng nhiều nhất, chiếm lần lượt 61% và 59%. Như vậy, ngoài xem video, người Việt dành phần lớn thời gian kết nối Internet để dùng mạng xã hội.
Dùng mạng xã hội nhiều hơn có thể khiến bạn bớt lạc lõng trên không gian ảo nhưng lại đang phá vỡ đi các mối quan hệ trong cuộc sống thực.
Báo cáo năm 2018 của We are Social cho biết, người Việt sử dụng Internet 7 giờ mỗi ngày. |
Theo nghiên cứu trên quy mô toàn nước Mỹ, với gần 1.800 người trong độ tuổi từ 19 đến 32 được công bố trên Mashable, thời gian sử dụng smartphone và truy cập các mạng xã hội liên quan mật thiết tới việc gia tăng cảm giác bị cô lập.
Brian Primack, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Truyền thông, Công nghệ và Y tế thuộc ĐH Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ khẳng định: “Con người sống theo cộng đồng nhưng cuộc sống hiện đại có xu hướng chia nhỏ chúng ta thay vì mang con người trở lại với nhau”.
Ông Primack cho rằng con người sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh để lấp đầy những khoảng trống nhưng có vẻ nó đang phản tác dụng.
Các nhà nghiên cứu đưa ra lập luận để khẳng định đắm chìm trong mạng xã hội khiến người ta cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Thứ nhất, việc dành quá nhiều thời gian lướt mạng trên smartphone khiến con người ít có thời gian tương tác với những người xung quanh.
Thứ hai, một số khía cạnh của mạng xã hội làm mọi người cảm thấy bị cô lập, chẳng hạn như nhìn thấy bạn bè đăng ảnh bữa tiệc mà không có mặt bạn.
Thứ ba, rất ít người trong chúng ta chia sẻ những điều xấu xí, nhàm chán và căng thẳng trong cuộc sống. Thay vào đó, những bức ảnh được đăng tải lên thường được chỉnh sửa rất kỹ lưỡng, tạo cho người xem cảm giác thèm muốn hoặc ghen tị. Từ đó, không ít người tin rằng tất cả, trừ họ, đều đang có cuộc sống tốt đẹp.
Ra đời để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ của con người nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra mặt trái của mạng xã hội. Thế nhưng suy cho cùng, mạng xã hội chỉ là một công cụ không có tính đúng sai. Nếu có sai, đó là do cách con người sử dụng.
Anh Thư (23 tuổi) vẫn thường bị bạn bè trêu là "sống chậm". Những "hot trend" trên mạng, cô không thể và cũng chẳng muốn bắt kịp. Cô nàng có chưa đầy 2 tiếng để lướt web mỗi ngày, phần lớn dùng để tìm kiếm các thông tin mình cần, rất ít cho mạng xã hội.
Sau khi tan ca, trong lúc đồng nghiệp chỉ chờ về đến nhà để lên mạng cập nhật "thế sự", Thư vội vã đánh xe đến lớp Yoga cho kịp giờ tập. 22h, bạn bè vẫn tán chuyện xôn xao trên nhóm chat, Thư đang yên tĩnh ở góc phòng đọc nốt cuốn sách gối đầu giường của mình.
Trước những câu trêu chọc của bạn bè, Thư chỉ đáp bâng quơ: "Có quá nhiều việc muốn làm trong cuộc sống nên "sống chậm" một chút trên mạng cũng không sao".