Ngày 28/7/2021, đánh dấu kỷ niệm 26 năm ngày Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến cấu trúc thống nhất của khối.
Đồng thời, Việt Nam tích cực đóng góp vào duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.
Gia nhập ASEAN là quyết định mang tính lịch sử, quyết sách đúng đắn và kịp thời, là đột phá đầu tiên để Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới. Chính sách của Việt Nam đối với ASEAN gắn liền với quá trình phát triển và đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam.
Cách nay 26 năm, ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đánh dấu bước chuyển mình mới trong quan hệ đối ngoại, mở đầu cho thời kỳ hội nhập toàn diện của khu vực. |
Nhìn lại chặng đường đã qua của Việt Nam, lãnh đạo các nước, giới chuyên gia, học giả và báo chí quốc tế đều đáng giá tích cực tinh thần thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ của Việt Nam vào thành tựu chung của ASEAN.
Ngay sau khi đất nước thống nhất năm 1975, chủ trương gia nhập ASEAN cũng là nằm trong các ưu tiên cao nhất để Việt Nam phá thế bao vây, cô lập, hội nhập khu vực và thế giới.
Để gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ trong tư duy đối ngoại, nhờ đó có sự chuyển hướng chiến lược kịp thời, nhấn mạnh lợi ích cao nhất của đất nước lúc này là tranh thủ điều kiện hòa bình để phát triển.
Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của đất nước thời kỳ mới và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Cụ thể Việt Nam tiếp tục “tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN” ..., tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong ASEAN và “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN”.
Tại Đại hội XI (tháng 1/2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương Việt Nam sẽ “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, đồng thời xác định nhiệm vụ “Phấn đấu cùng các nước ASEAN xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh”.
Tiếp đó, Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đã xác định phương hướng với hợp tác trong ASEAN là “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”.
Với định hướng này, tham gia ASEAN trở thành một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của đất nước, một trọng tâm chiến lược trong ngoại giao đa phương tại ASEAN của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần “nhận thức rõ tầm quan trọng của ASEAN trong tổng thể các hoạt động đối ngoại, coi ASEAN là vành đai an ninh trực tiếp của đất nước, là ngôi nhà chung của mình”.
Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8/8/2018, của Ban Bí thư, về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” một lần nữa nhấn mạnh cần “tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, “phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế” …
Như vậy, trong suốt 26 năm qua và kể cả trước đó, chính sách của Việt Nam với ASEAN phản ánh sự phát triển căn bản trong tư duy đối ngoại và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của đất nước.
Tham gia ASEAN đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của đất nước nói chung và trọng tâm chiến lược trong ngoại giao đa phương của Việt Nam nói riêng.
Ngọc Trang