Kỹ sư Lương Mỹ Phương, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết, nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất chủ lực của huyện Phú Tân. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu nên việc sản xuất cây lúa, nếp gặp nhiều khó khăn, năng suất không ổn định dẫn đến thu nhập của nông dân ngày càng giảm đi.

Trước tình hình đó, UBND huyện Phú Tân đã xây dựng Kế hoạch số 698/KH-UBND dựa trên Quyết định số 3410/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang rau, màu và cây ăn trái nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hướng đến mục tiêu đa dạng các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

{keywords}
Trồng dưa hấu leo giàn đem lại nhiều lợi ích cho nông dân

Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân đã chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây ăn trái như: xoài, bưởi, cam... đồng thời còn thực hiện luân canh cây trồng, với nhiều loại cây màu trên nền đất lúa góp phần cải tạo đất, phá thế độc canh cây lúa, cắt đứt vòng đời sâu bệnh trên lúa và nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất.

Hàng năm, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân đã thí điểm nhiều mô hình mới ở các vùng sản xuất khác nhau, như: trồng nấm rơm, nấm linh chi, đậu nành rau cho nông dân tham khảo, đánh giá và lựa chọn áp dụng trong điều kiện phù hợp. Dưa hấu cũng nằm trong số cây màu được lựa chọn vì dưa hấu vừa có thời gian sinh trưởng ngắn, vừa có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao.

Theo chị Phương, việc canh tác dưa hấu từ xưa đến nay luôn được người nông dân trồng theo phương pháp truyền thống là cho dây dưa bò dưới ruộng. Phương thức gieo trồng này gặp nhiều hạn chế, vì bộ lá và trái dưa tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với mặt đất nên rất dễ bị tổn thương và bị sâu bệnh phá hại nhiều, mật số cây trồng trên 1 đơn vị diện tích đất thấp, dẫn đến năng suất khiêm tốn.

“Dưa hấu là loại cây trồng thuộc họ bầu bí, có khả năng leo bám tốt. Vì vậy, nhóm chúng tôi tiến hành nghiên cứu trồng dưa hấu theo phương thức leo giàn với mục tiêu đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân như: hạn chế sâu bệnh tấn công, tăng mật số cây trồng, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân…” - chị Phương thông tin.

Thí điểm tại hộ ông Nguyễn Thanh Phong với quy mô 1.000m2 trên nền đất trồng nếp lâu năm trong 2 vụ, thời gian mỗi vụ kéo dài 3 tháng cho kết quả khả quan. Dưa được trồng thử nghiệm là giống dưa hấu Mặt trời đỏ, xen 5% loại dưa có hạt để thụ phấn cho dưa không hạt.

Vụ thứ 1, trồng dưa hấu đợt hè thu, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa kéo dài, xuất hiện bệnh thán thư, thiếu nắng, thân dây bị nứt chảy nhựa. Vụ thứ 2, trồng dưa hấu đợt đông xuân, ngày nắng đêm lạnh khiến quá trình úp nụ tạo trái bị sốc nhiệt, tỷ lệ đạt 75%, có thêm bệnh bọ trĩ, thời điểm 50-55 ngày chuẩn bị thu hoạch xuất hiện bệnh héo xanh.

Dựa trên điều kiện trồng, kết quả thu thực tế lợi nhuận qua 2 đợt trồng được trên 23,6 triệu đồng. Trong đó, năng suất dưa không hạt đạt 6 tấn, dưa có hạt đạt 645kg, giá bán 5.000-10.000 đồng/kg; chất lượng dưa khá tốt, vị ngọt, màu đẹp, thịt trái dày và chắc.

Ông Phong cho biết, từ kết quả thí điểm, trong các năm tiếp theo sẽ chọn dưa hấu trồng luân canh với nếp, lý tưởng nhất là xuống giống dưa hấu trong vụ đông xuân vì thời tiết và đầu ra thuận lợi.

Kỹ sư Lương Mỹ Phương đánh giá: “Khi trồng dưa hấu không hạt giống Mặt trời đỏ chú ý 3 khâu quan trọng nhất: giai đoạn thụ phấn, nước tưới và sâu bệnh hại. Mô hình trồng dưa hấu trên giàn tuy chi phí đầu tư cao, nhưng đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân đúng như kỳ vọng. Việc trồng luân canh dưa hấu trên nền đất lúa còn góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh và nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân”.

Văn Hùng
Ảnh: Tuyết Nhung