Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam năm 2018 có sự phát triển cực kỳ đột phá. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nói tại sự kiện Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 cho biết năm ngoái TMĐT Việt Nam tăng trưởng 30%, với trị giá thị trường đến 8 tỷ USD - các con số rất ấn tượng. Ông Hải cho rằng các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này để mở rộng công việc kinh doanh.
Sự kiện Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2019 diễn ra tại TP.HCM hôm 28/3 có chủ đề chính Scaling Up (tạm dịch: Tăng tốc). Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) cho biết trong giai đoạn tăng tốc của doanh nghiệp, có 4 yếu tố cực kỳ quan trọng cần chú ý.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), tại diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2019 tại TP.HCM - Ảnh: H.Đ |
Công ty khởi nghiệp có 3 giai đoạn phát triển: giai đoạn khởi sự kinh doanh, giai đoạn tăng tốc, và sau cùng trở thành doanh nghiệp lớn hoàn toàn.
Ở giai đoạn scale up, bà Phi cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay nói nhiều về công nghệ, tuy nhiên bản thân công nghệ khi không được sử dụng đúng thì không có hiệu quả. Yếu tố quan trọng nhất hàng đầu trong giai đoạn này của doanh nghiệp chính là con người.
Khi cần tăng trưởng nóng, cần nhân rộng mô hình thì doanh nghiệp cần con người để thực thi các kế hoạch tăng trưởng.
“Nhân rộng mô hình không khó, nhân rộng con người mới khó”, bà Phi nói. Chẳng hạn một cửa hàng bán lẻ từ một và cửa hàng muốn nhân rộng lên vài chục cửa hàng thì việc đào tạo đội ngũ để bảo đảm dịch vụ thống nhất giữa các cửa hàng là rất quan trọng.
“Khi các bạn chưa đủ người có nên scale up hay không? Các bạn chưa chuẩn bị đủ có nên tăng trưởng mạo hiểm hay không”, bà Phi đặt câu hỏi.
Làm việc tại trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, bà Phi cho biết có nhiều doanh nghiệp khi đến cần tư vấn cho biết khi doanh nghiệp còn nhỏ vẫn có lời, khi phát triển lớn hơn thì lời ít đi, khách hàng rời bỏ, nhân viên nghỉ. Do đó, việc đào tạo và chuẩn bị nhân lực trước khi tăng tốc là cực kỳ quan trọng.
Điều quan trọng tiếp theo là phải lập chiến lược. Giai đoạn đầu các công ty khởi nghiệp rất trung thành với giá trị cốt lõi của họ, nhắm vào các khách hàng cụ thể. Tuy nhiên khi phát triển lớn hơn, nóng lòng mở rộng kinh doanh, các doanh nghiệp xa rời giá trị cốt lõi ban đầu. Do đó cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể và bám vào đó trong quá trình tăng trưởng nóng.
Yếu tố quan trọng thứ ba là thực thi. Khi đã có con người và chiến lược rõ ràng, việc thực thi nếu không đúng sẽ tạo ra lỗ hổng trong quá trình phát triển. Ví dụ về sự tăng trưởng nóng của doanh nghiệp, bà Phi – nhà tư vấn doanh nghiệp đồng thời là nhà đầu tư – cho rằng giai đoạn này như đang sửa máy bay đang bay. Doanh nghiệp tăng trưởng nóng thường xuyên gặp các lỗ hổng trong nhiều khâu, do đó cần người sửa chữa, nhưng việc này khó khăn tương tự như phải sửa máy bay khi đang bay trên không. Lúc này cần có nhân sự đủ giỏi để vá những lỗi này.
Cuối cùng, giai đoạn phát triển nóng của doanh nghiệp cần tiền, tức “máu” của doanh nghiệp. Nguồn tài chính đủ mạnh sẽ giúp doanh nghiệp scale up nhanh hơn. Cần quản trị dòng tiền tốt, có nguồn tiền đủ để không bị thiếu hụt trong quá trình tăng tốc.
Tiền chính là yếu tố cực kỳ quan trọng thúc đẩy nền kinh tế và TMĐT nói riêng. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng quản lý hoạt động TMĐT Cục TMĐT và kinh tế số, cho biết tăng trưởng 30% của thương mại điện tử có phần rất lớn từ nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với nguồn tiền từ nhà đầu tư, các trang thương mại điện tử năm qua đã tung nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ, kích thích mua bán qua mạng. Nếu không có nguồn tiền lớn để “đốt”, rõ ràng khó tạo sự dịch chuyển mua bán từ offline qua online nhiều hơn.
Đồng tình rằng giá rẻ, nhiều khuyến mại đang là yếu tố quan trọng nhất giúp người dùng đến với thương mại điện tử tại Việt Nam, bà Lê Thị Thuỳ Trang – Giám đốc bán lẻ Nielsen Việt Nam – cho rằng trải nghiệm của người dùng mới là yếu tố chính yếu giúp họ tiếp tục quay lại với một trang bán hàng.
Bà Lê Thị Thuỳ Trang – Giám đốc bán lẻ Nielsen Việt Nam - Ảnh: H.Đ |
TMĐT ở Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, bà Trang đánh giá, do đó yếu tố về giá và khuyến mại đang được người mua chú ý, tuy nhiên ở các thị trường phát triển hơn ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc thì người dùng ưu tiên yếu tố trải nghiệm. Chẳng hạn việc mua hàng phải dễ dàng, giao hàng nhanh và đúng hẹn, có thể tra cứu thông tin sản phẩm dễ dàng,… là những yếu tố gia tăng trải nghiệm của người mua.
Tăng trưởng TMĐT đến 30% trong năm ngoái là con số rất lạc quan, bà Trang đánh giá. Tuy vậy, quy mô thị trường của TMĐT Việt Nam còn nhỏ, đóng góp vào tổng giá trị bán lẻ chưa cao.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, người dùng sẵn sàng chi tiền ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy có 4 rào cản hiện nay khiến người dùng Việt Nam chưa sẵn sàng với TMĐT, bao gồm chất lượng hàng hoá, giao diện sử dụng ứng dụng hoặc web, trải nghiệm mua sắm và niềm tin thương hiệu.
Sự kiện Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 tổ chức tại TP.HCM trọn ngày 28/3. Sự kiện tương tự được tổ chức tại Hà Nội 2 ngày trước.