-Trong những ngôi nhà sang trọng đó, có không những tấm lòng bao dung như chị, để những sĩ tử nghèo khó lạc bước như tôi ngày nào được tá túc trên con đường đi tìm hy vọng.

Một chiếc ba lô cũ trong đó chứa mấy cuốn sách và vài bộ quần áo, tôi lầm lũi bước đi trên đường phố Sài Gòn. Từ ký túc xá Bách Khoa, theo đường lý Thường Kiệt qua Hoàng Văn Thụ đến Phan Đăng Lưu, tôi biết đi tiếp sẽ gặp Bạch Đằng, chợ Bà Chiểu là địa danh gia đình mình đã nương náu trong những tháng ngày Trị Thiên đỏ lửa. Đến đó tôi sẽ tìm được đường tới ga để đi về.

Những bước chân lầm lũi, đi như một kẻ mộng du, tôi không còn khóc được nữa vì câu chuyện quá buồn ở ngôi nhà 3 tầng sang trọng của người bà con xa. Họ không dám cho tôi tá túc chờ ngày thi, mà ngày thi thì còn quá xa, thông cảm cho họ vì họ quá giàu mà tôi lại là một sĩ tử quá nghèo, tôi bước vào nhà họ chỉ với một chiếc ba lô cũ bạc màu.

Mười tám tuổi, tôi có một ngày như ở trên mây trong quãng thời gian đi tàu từ Huế vào Sài Gòn. Lần thứ hai tôi đến với mảnh đất đô hội này, không phải chạy trốn chiến tranh như năm nào, mà đến để thi thố tài năng của 12 năm đèn sách. Trường tôi dự thi là ngôi trường khá danh tiếng của miền Nam trước cũng như sau chiến tranh, trường Đại Học Bách Khoa.

{keywords}
Ảnh: Zing.vn

Mộng mơ là thế, nhưng đã bị té nhào từ thiên đường xuống địa ngục trong ngày đầu tiên đến với đất Sài Gòn, tôi không được chấp nhận, không chốn nương thân. Trơ trọi một mình giữa chốn phồn hoa đô hội không biết sống làm sao? tôi bước đi, không biết đi đâu nhưng có lẽ trong thâm tâm là đi tìm đường ra ga để trở về.

Đang bước đi trong vô vọng thì một ân nhân, nói đúng hơn là một Thiên Thần đã chìa tay ra cho tôi. Đường Phan Đăng Lưu thời đó còn khá vắng, nhất là đoạn gần Bộ Tổng Tham Mưu. Một ngôi biệt thự bên đường với tấm bảng hiệu: Cửa Hàng Tươi Sống Phú Nhuận đập vào mắt tôi một cách vô tình. Đâu đó trong ký ức của tôi bỗng hiện về rất rõ, lời nhắn gởi trên sân ga một cách vội vàng của người Dì bán hàng rong, Dì có một người con dâu tên Thanh làm ở cửa hàng Tươi Sống Phú Nhuận, tôi chỉ nhớ thế thôi.

Dừng lại trước cửa hàng, rụt rè và phân vân, lấy hết can đảm để hỏi chuyện cô mậu dịch viên đang đứng cân rau, và một phép lạ đã đến với tôi, người hỏi chuyện cũng chính là người tôi cần tìm. Nghe qua hoàn cảnh của tôi, chị vui vẽ đưa tôi về nhà cho ở nhờ, chị vô tư cứu giúp, một người không rõ lai lịch và chưa hề quen biết.

Trong ngôi nhà nhỏ của chị,  một gia đình có bốn người, bố chồng của chị và hai đứa con nhỏ, bây giờ có thêm tôi, cả nhà đón nhận tôi không chút ngần ngại, tôi hòa nhập vào gia đình chị không một chút e dè.

Dưới ngọn đèn leo lét, bữa cơm với thật nhiều rau mà chị mang về từ cửa hàng quả là quá thịnh soạn cho tôi, dĩa bắp sú luộc hay tô canh củ cải nấu với tôm khô là những món ăn xa xỉ mà có nằm mơ ở Huế tôi cũng không thể có được vào thời bao cấp. Vượt lên trên sự quan tâm về nơi ăn chốn ở, điều làm tôi hạnh phúc để bước đi cho hết mùa thi là sự yêu thương đùm bọc của cả gia đình chị dành cho tôi. Một gia đình nhỏ nghèo khó nhưng tấm lòng thật quá bao dung.

Ngày ấy giờ cũng đã quá xa rồi, con hẻm nhỏ nơi có ngôi nhà của chị bây giờ cũng đã không còn. Những chung cư cao tầng, những biệt thự tường cao cổng kín đã mọc lên thay chỗ cho những ngôi nhà tạm bợ. Trong những ngôi nhà sang trọng đó, có không những tấm lòng bao dung như chị, để những sĩ tử nghèo khó lạc bước như tôi ngày nào được tá túc trên con đường đi tìm hy vọng.

  • Đaminh Đinh Trọng Bình