Trồng sâm dây có lợi hơn cà phê

Những năm gần đây từ định hướng của tỉnh Kon Tum, người Xơ đăng ở các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei đã tích cực trồng cây dược liệu.

Nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên việc phát triển cây dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum rất thuận lợi. Đối với hai loại cây có giá trị kinh tế cao thị trường tiêu thụ mạnh là sâm Ngọc Linh và sâm dây (Hồng đẳng sâm), vốn là loài bản địa nên người dân hiểu rõ đặc tính và kỹ thuật canh tác. Nếu như sâm Ngọc Linh chỉ trồng được dưới tán rừng già trên núi cao thì sâm dây vừa dễ canh tác lại phát triển được ở nhiều địa hình đồi núi và môi trường khác nhau.

{keywords}
Đồng bào Xê Đăng huyện Tu Mơ Rông đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các loại cây dược liệu, từng bước làm thay đổi cuộc sống.

Những ngày cuối năm, bà con nông dân  làng Tư Rang, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum tất bật thu hoạch sâm dây. Sâm dây đào đến đâu bán hết đến đó. Loại to 8 củ một kg bán với giá 200.000 đồng. Loại từ 10 đến 15 củ bán 150.000 đồng. Loại nhỏ hơn bán xô từ 50.000 - 80.000 đồng một kg.

Theo quan sát, trồng sâm dây có lợi hơn cà phê. Được giá, dễ bán hơn lại dễ trồng. Người nông dân chỉ việc trồng thu hoạch thôi còn người mua thì đến tận rẫy. Không ít gia đình, trung bình mỗi ngày thu được từ 4 đến 5 triệu đồng tiền sâm dây. Năm ngoái sâm dây cũng được mùa, nhiều củ to và đẹp nên thu mỗi ngày cũng bán được khoảng 5 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế, bà con người Xơ đăng ở các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei); Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông); Măng Bút, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) đã rủ nhau trồng sâm dây dưới tán rừng, xen cả trong rẫy mì, cà phê….

Trên địa bàn huyện có 6 xã có thể trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện nay, đã có hơn 500 hộ dân ở 3 xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây trồng sâm Ngọc Linh. Trong năm 2018, tổng diện tích trồng mới sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông gần 3 ha, nâng diện tích cây sâm Ngọc Linh trong dân trên toàn huyện lên hơn 17 ha… Ngoài ra, có hơn 300 ha diện tích sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp trồng trên địa bàn và có hàng trăm hộ dân tham gia mô hình liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Theo người dân ở đây chia sẻ, cây đương quy dễ trồng, dễ chăm sóc. Tư thương họ vào tận vườn để thu mua. Củ thì bán 1kg được 40.000 đồng còn lá thì 1kg được 2.000 đồng. Trồng đương quy có thu nhập, cuộc sống của người dân trong huyện khấm khá hẳn lên.

Mở hướng thoát nghèo bền vững

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Hiện vùng phát triển theo quy hoạch của huyện thì phát triển đến năm 2020 là 200 ha hồng đẳng sâm, hiện nay đã phát triển gần 40 ha rồi. Còn đương quy thì đang triển khai thực hiện, bà con cũng đã trồng khoảng 30 ha. Ngoài ra, hiện nay UBND huyện cũng chỉ đạo cho UBND các xã, bà con ở vùng giáp ranh nơi rừng có sơn tra, ngũ vị tử và mật ong thì khoanh vùng để bảo tồn và thu nguồn lợi này, hằng năm cung cấp một sản lượng rất lớn”.

Để phát huy lợi thế của địa phương, huyện Tu Mơ Rông đã và đang tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ để nhân dân phát triển các loại cây dược liệu. Huyện xác định đây là những cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập và giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Hiện UBND huyện Tu Mơ Rông đang chỉ đạo các xã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thêm để bà con mua giống sâm; cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh và Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô, hai đơn vị cũng cam kết sẽ cung cấp, vừa hỗ trợ cho bà con giống sâm và hỗ trợ bán sâm cho bà con.

Đến nay tỉnh Kon Tum đã phát triển được 750 ha dược liệu, sản lượng đạt trên 3.900 tấn, chưa tính Sâm Ngọc Linh. Hầu hết diện tích dược liệu của địa phương được trồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Xơ đăng, gồm các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Cùng với hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu để thoát nghèo và vươn lên làm giàu, tỉnh Kon Tum đã giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng đối với 10 doanh nghiệp thực hiện đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu với tổng diện tích khoảng 7.660 ha.

Đây cũng là cơ hội để người Xơ đăng có thêm việc làm, thu nhập ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thanh Hùng
Ảnh: Đắc Vịnh