Trụ hạng trong "giông bão"

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Yoshiki Takeuchi, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đánh giá nhờ các chính sách quản lý dịch bệnh rất linh hoạt, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới duy trì được tăng trưởng dương năm 2020. 

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (Đại học Fulbright), nhận định kinh tế Việt Nam đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh rất nhiều cơ hội. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc Việt Nam đang giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động, như "một vịnh tránh bão trong cơn biển động". Trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn định, kể cả những cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 và 2008-2009. 

Để Việt Nam trụ hạng trong bối cảnh "giông bão" vừa qua, Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, năng lực điều hành "dĩ bất biến, ứng vạn biến", linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán trong chính sách và quyết liệt hành động. 

Kinh tế Việt Nam trụ hạng qua "giông bão"

PGS.TS .Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhắc tới việc đích thân Thủ tướng đi vào các tâm dịch, các trung tâm kinh tế lớn để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Việc chống dịch nhưng không làm đứt chuỗi nền kinh tế thị trường và mở cửa; tránh phương thức quản lý mệnh lệnh hành chính và cơ chế xin - cho… Cùng với đó, là sự nỗ lực của một số địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, ý thức được ý nghĩa chiến lược của tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại, những năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. 

"Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác. TP cũng nhìn nhận để thu hút vốn FDI hiệu quả phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng khu vực tư nhân", ông nhìn nhận.

Theo các chuyên gia, thực tế, đại dịch vừa qua một lần nữa cho thấy vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Nhiều tập đoàn tư nhân trong nước đã ứng phó tốt với khó khăn khi dần khẳng định được sự độc lập, tự chủ. Không những vượt qua đại dịch mà nay, một số ‘sếu đầu đàn’ của kinh tế nước ta đang vươn lên mạnh mẽ. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, chia sẻ, bằng nguồn lực tài chính vững vàng được tích lũy sau gần 10 năm cất cánh, cùng uy tín tạo dựng và khả năng điều chỉnh, thích ứng trong đại dịch, Vietjet không chỉ vượt qua đại dịch mà còn hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch. Yếu tố giúp hãng vượt qua khủng hoảng Covid-19 chính là nhờ không ngừng nỗ lực, tự chủ.

Tăng sức mạnh nội sinh và tận dụng cơ hội sau đại dịch 

Nữ tỷ phú cho hay, động lực của doanh nghiệp là ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, với niềm tự hào doanh nghiệp Việt Nam.

Trước hết, đó là sự đổi mới, tăng sức mạnh nội sinh, là sự tự chủ trong giải pháp công nghệ. Khi hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nghẽn mạch, hãng hàng không này cùng tập đoàn FPT xây dựng hệ thống công nghệ thay thế kịp thời, duy trì sự hoạt động ổn định liên tục của thị trường. Hệ thống đang vận hành tốt minh chứng cho năng lực và tự chủ của doanh nghiệp Việt.

Hàng không và du lịch là những trụ cột của nền kinh tế hội nhập quốc tế hiện đại, có vai trò tiên phong trong mở cửa - mở cơ hội liên kết và dẫn dắt phát triển

Tuy nhiên, các nhà quản lý và chuyên gia đều có chung nhận định: Sau đại dịch, khó khăn chưa kết thúc. Tình hình chiến sự căng thẳng tại Ukraine, giá dầu thế giới tăng cao, nguy cơ thiếu hụt lương thực, chính sách thắt chặt tài chính của Hoa Kỳ, dịch bệnh có nguy cơ tái phát, chính sách Zero Covid tại Trung Quốc đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế tại các quốc gia đang phát triển, triển vọng tăng trưởng bị ảnh hưởng,... sẽ đặt ra nhiều thách thức, khó khăn hơn cho Chính phủ trong hỗ trợ kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, “việc thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng là hết sức kịp thời, thể hiện năng lực thích ứng của doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn”, CEO Vietjet nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên kiến nghị Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Các vướng mắc về cơ chế, thể chế, môi trường kinh doanh cần được tháo gỡ để các doanh nghiệp phát huy tốt nhất sự tự chủ, chủ động sáng tạo của mình. 

Về hàng không và du lịch, ông Thiên đánh giá hàng không Việt Nam hoàn toàn có lợi thế, là một thế lực quốc gia trên quan điểm cạnh tranh toàn cầu. Đây là những trụ cột của nền kinh tế hội nhập quốc tế hiện đại, có vai trò tiên phong trong mở cửa - mở cơ hội liên kết và dẫn dắt phát triển. Chính phủ cần xác định như vậy để có phương án hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp hàng không, du lịch - theo tinh thần trỗi dậy quốc gia -chứ không phải là việc “chia phần cứu trợ” dựa trên nguyên tắc xin - cho và dễ bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, chương trình phục hồi và phát triển mà Chính phủ đang triển khai không chỉ có ý nghĩa sau đại dịch, mà còn trong thời điểm Việt Nam có thể tận dụng thời cơ để bứt lên. Việt Nam chưa mạnh nhưng có tầm nhìn, khát vọng, năng lực chớp thời cơ, có nền tảng tốt cho phát triển. Nền kinh tế có đà, có thế, có khát vọng để vươn dậy.

“Nguồn lực tư nhân cần được vươn lên. Việc ‘bơm máu’ cho nền kinh tế, tiếp trợ cho doanh nghiệp là việc cần làm. Đây là yếu tố giúp đất nước phát triển, dứt khoát không được lãng phí cơ hội hội phục hồi sau đại dịch”, ông Thiên thẳng thắn.

Tùng Nguyễn 

Ổn định kinh tế vĩ mô, bài học quý giá trước mọi khó khănMột trong những nỗ lực rất lớn của Chính phủ thời gian qua chính là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chưa nói đến các chỉ số khác, riêng thị trường tài chính vẫn có những biến động bất thường.