Triển lãm giới thiệu 3 di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức Thế giới) gồm Mộc bản triểu Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Ngày 26/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ trì phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn", tại Nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Triển lãm giới thiệu 3 di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức Thế giới) gồm Mộc bản triểu Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Nhiều phiên bản mọc bản triều Nguyễn được trưng bày tại Văn Miếu |
Trong đó, Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận. Ðây là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm với nhiều loại hình khác nhau như sách lịch sử, địa chí, văn chương… đặc biệt là những trang về lịch sử triều Nguyễn cũng như lịch sử Việt Nam.
Mộc bản vừa phản ánh những giá trị về thông tin vừa mang những giá trị nghệ thuật bởi lẽ chúng đã thể hiện nghệ thuật điêu khắc gỗ rất tinh xảo của người thợ thủ công xưa.
Phát biểu tại buổi lễ TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết "Triển lãm giới thiệu về các di sản tư liệu qua một số chủ đề nổi bật như Quốc hiệu đất nước qua Mộc bản; Khoa cử thời Nguyễn qua Châu bản và Tinh thần dân tộc qua Thơ trên kiến trúc cung đình Huế.
Với hơn 70 tài liệu hình ảnh về mộc bản, châu bản, thơ trên kiến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản mộc bản. Công chúng và giới nghiên cứu sẽ có những trải nghiệm thú vị qua các di sản tư liệu triều Nguyễn”.
Nội dung mộc bản được giới thiệu tại triển lãm này tập trung về chủ đề Quốc hiệu đất nước. Quốc hiệu đất nước đã phản ánh khá đầy đủ qua mộc bản, mỗi trang tài liệu là một câu chuyện lịch sử về Quốc hiệu của đất nước ta qua các thời kỳ.
Từ khởi thủy đến năm 1945, Việt Nam trải qua chín lần thay đổi Quốc hiệu, từ Xích Quỷ, Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Ngu, đến Việt Nam rồi Đại Nam.
Đây là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nội dung của Châu bản phản ánh đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực của xã hội đương thời. Qua triển lãm này, châu bản được giới thiệu tập trung với chủ đề về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn.
Nội dung giáo dục và khoa cử thời Nguyễn tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy hành chính nhà nước. Các văn bản châu bản liên quan đến chủ đề này đã phản ánh khá sinh động về nhiều vấn đề trong chính sách giáo dục, đào tạo, tuyển cử của triều Nguyễn trong đào tạo và sử dụng nhân tài.
So với Mộc bản là những tài liệu ván khắc âm bản dùng để in sách thì thơ văn chạm khắc trên các cấu kiện gỗ của kiến trúc cung đình Nguyễn là ván khắc dương bản, một tác phẩm chạm khắc hoàn chỉnh rất có giá trị, nhất là tính độc bản của nó.
Việc khắc chìm hay chạm nổi trên các ván gỗ, việc viết trên nền pháp lam hay đắp nề ngõa trên các ô hộc, việc chọn các lối thể hiện về kiểu chữ như chân, thảo, lệ, triện hay chia tách các ô thành các cụm câu hoặc đại tự v.v. đều nói lên tính đa dạng về hình thức tồn tại của tư liệu. Đó cũng là tính độc đáo của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Tại triển lãm, những bài thơ bằng chữ Hán chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế tập trung ở nhiều đề tài khác nhau nhưng nổi bật hơn cả đó là tinh thần dân tộc qua việc khẳng định về những truyền thống văn hiến tốt đẹp cũng như niềm tự hào về giang sơn gấm vóc.
T.Lê